Taliban lần đầu chính thức gặp phương Tây

Cuộc đối thoại giữa lực lượng Taliban với các nước phương Tây đã được khởi động tại Na Uy. Đây là lần đầu kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan từ tháng 8/2021, Taliban tham gia một sự kiện chính thức tại châu Âu, với mục tiêu hàng đầu là khai thông các khoản viện trợ Afghanistan bị phương Tây phong tỏa.

Phái đoàn Taliban tham gia một cuộc đàm phán với phương Tây. Ảnh: KHALEEJ TIMES
Phái đoàn Taliban tham gia một cuộc đàm phán với phương Tây. Ảnh: KHALEEJ TIMES

Thay đổi bầu không khí chiến tranh

Phái đoàn Taliban đã tới Oslo cuối tuần trước để gặp giới chức nước chủ nhà Na Uy và tham gia các cuộc đàm phán với các đại diện Anh, Pháp, Đức, Italia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến kéo dài đến ngày 25/1. Phái đoàn Taliban cũng có các cuộc tiếp xúc riêng rẽ với Mỹ và các đại diện châu Âu. Sự kiện gặp chính thức đầu tiên giữa Taliban và phương Tây được kỳ vọng tạo cơ hội để “thay đổi bầu không khí chiến tranh” tại Afghanistan.

Phát biểu ý kiến với hãng tin Pháp AFP, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: Taliban đã thực hiện các bước để đáp ứng yêu cầu của các nước phương Tây, với hy vọng khai thông quan hệ ngoại giao giữa Afghanistan với tất cả các quốc gia. Mục tiêu cao nhất là biến bầu không khí chiến tranh thành hòa bình, sau cuộc xung đột kéo dài 20 năm qua tại Afghanistan.

Trước cuộc đàm phán tại Na Uy, Taliban từng tham gia các tiến trình đối thoại tại Nga, Iran, Qatar, Pakistan, Turkmenistan. Theo truyền thông châu Âu, nội dung trọng tâm được đề cập trong cuộc gặp Taliban-phương Tây lần đầu này là vấn đề viện trợ nhân đạo, quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, phương Tây cũng nhắc lại yêu cầu Taliban chia sẻ quyền lực với các nhóm tôn giáo, dân tộc ở Afghanistan. 

Sau khi Taliban giành quyền lực tại Afghanistan, chính quyền do Taliban thành lập đối mặt nhiều khó khăn, từ thiếu sự công nhận quốc tế, cạn kiệt tài chính đến khủng hoảng nhân đạo, bạo lực và nguy cơ khủng bố từ các nhóm tàn dư của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Afghanistan đang chống chọi nạn hạn hán, kinh tế suy sụp và những tác động dai dẳng của nhiều năm xung đột.

Tình hình nhân đạo tại Afghanistan xấu đi nghiêm trọng, các khoản viện trợ quốc tế bị gián đoạn, khi Mỹ phỏng tỏa khối tài sản trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Afghanistan tại nước ngoài. Theo LHQ, nạn đói đang đe dọa 23 triệu người, tương đương 55% dân số Afghanistan. Ước tính, Afghanistan cần gấp ít nhất 5 tỷ USD viện trợ để chống chọi khủng hoảng nhân đạo hiện nay.

Không đồng nghĩa sự công nhận

Giữ trò trung gian đối thoại giữa Taliban và phương Tây, Na Uy khẳng định, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên được tổ chức không phải để hợp pháp hóa chính quyền do Taliban thành lập tại Afghanistan. Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt nhấn mạnh, sự kiện này không đồng nghĩa công nhận Taliban, song việc tiếp xúc, đối thoại với lực lượng trên thực tế điều hành Afghanistan là cần thiết. Na Uy cho biết, các nước quan tâm và lo ngại về các điều kiện tồi tệ, cả chính trị và kinh tế, có nguy cơ tạo ra thảm họa toàn diện cho hàng triệu người dân Afghanistan. 

Tuần trước, Taliban kêu gọi các nước công nhận chính quyền mới tại Afghanistan. Trong phát biểu đầu tiên sau khi được Taliban bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng hồi tháng 9/2021, ông Mullah Hasan Akhund nhấn mạnh đề nghị chính phủ các nước, nhất là các quốc gia Hồi giáo, nhanh chóng hợp tác với chính quyền Taliban.

Đến nay, các cường quốc vẫn giữ quan điểm thận trọng, kêu gọi Taliban thành lập một chính phủ mới mang tính đa đại diện, bền vững, với sự tham gia của tất cả các thành phần chủ chốt tại Afghanistan. Ngay trước thềm cuộc đàm phán với Taliban ở Oslo, EU tuyên bố tái thiết lập “sự hiện diện tối thiểu” ở Kabul, song không có nghĩa là EU công nhận chính quyền Taliban. Việc EU trở lại Afghanistan chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động phân phát viện trợ nhân đạo. Trước đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ Afghanistan, nhưng thông qua các tổ chức độc lập.

Trong khi đó, Australia vừa quyết định triển khai chương trình thị thực nhân đạo dành cho công dân Afghanistan. Theo đó, Australia dự định tiếp nhận khoảng 15.000 người Afghanistan, gồm những người từng hợp tác, hỗ trợ lực lượng Australia và người thân của họ.