Rào cản từ những biện pháp trừng phạt

Đến nay, khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran là rất ít, bởi Washington từng khẳng định “hàng trăm lệnh trừng phạt” nhằm vào Iran sẽ được duy trì ngay cả khi Mỹ và Iran cùng quay lại tuân thủ JCPOA.

Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Từ tháng 5/2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran nhằm bao vây, cấm vận nền kinh tế nước này, thậm chí còn trừng phạt các cá nhân và thực thể của Iran. Gần đây nhất, ngày 18/11, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã truy tố hai công dân Iran vì tham gia vào một chiến dịch “thông tin sai lệch và đe dọa” bằng hình thức trực tuyến nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Trước đó, ngày 29-10, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt một vòng trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể Iran có liên quan chương trình máy bay không người lái của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Washington cho rằng, các máy bay không người lái của IRGC đã được sử dụng trong những cuộc tiến công nhằm vào các lực lượng Mỹ và hoạt động vận tải đường biển quốc tế ở khu vực vùng Vịnh.

Đáp trả các động thái trừng phạt của Mỹ, kể từ tháng 5/2019, Iran đã nhiều lần cắt giảm mức độ tuân thủ cam kết trong JCPOA. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây công bố báo cáo cho thấy, Iran đã tăng lượng urani được làm giàu ở mức cao, bất chấp những cam kết đã đưa ra JCPOA. Theo đó, tính đến ngày 6/11, kho urani của Iran đã tăng lên hơn 2.489 kg, vượt quá mức cho phép theo JCPOA. IAEA cho biết thêm, hiện tổng số urani làm giàu ở mức 20% của Iran đã tăng lên 113,8 kg, tăng từ mức 84,3 kg vào tháng 9, và lượng urani làm giàu ở mức 60% là 17,7 kg, tăng từ mức 10 kg được ghi nhận trước đó.