Quan ngại về an ninh nguồn nước toàn cầu

Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh (SMM) năm 2022, vừa diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, bày tỏ quan ngại về an ninh nguồn nước toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng lạc quan khi các nước châu Âu lên kế hoạch biến Biển Bắc thành “nhà máy điện xanh”.

Nhiều người dân ở Madagascar không được cung cấp nước sạch. Ảnh: BUSINESS WIRE
Nhiều người dân ở Madagascar không được cung cấp nước sạch. Ảnh: BUSINESS WIRE

Nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm

Trong số các khu vực trên thế giới, châu Phi thường xuyên đối mặt tình trạng khan hiếm nước sạch. Tình trạng nước thải chưa qua xử lý và khan hiếm nước sạch đang ngày một trầm trọng và đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người dân “lục địa đen”, trong bối cảnh ngoài đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán ngày một gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Tây Phi. 

Trước tình trạng ô nhiễm và thiếu nước sạch nghiêm trọng, Viện Nước sạch, Môi trường và Y tế thuộc Trường đại học LHQ vừa tiến hành nghiên cứu những khó khăn, rủi ro trong quản lý nguồn nước nhằm tìm giải pháp nước sạch cho người dân châu Phi. Kết quả nghiên cứu của viện trên cho thấy, Ai Cập có diện tích chủ yếu là sa mạc nhưng vẫn được đánh giá là quốc gia có nguồn nước an toàn nhất châu Phi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 99% dân số Ai Cập được tiếp cận nguồn nước sạch. Trong khi ở chiều ngược lại, Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nằm ở khu vực sở hữu tài nguyên nước dồi dào nhất châu Phi, lại chỉ có 37% dân số được sử dụng các dịch vụ nước sạch cơ bản. 

Đảo quốc lớn thứ hai thế giới Madagascar, dù xếp hạng cao về dự trữ nguồn nước, lại nằm trong danh sách 10 quốc gia có nguồn nước sạch kém nhất châu Phi vì tình trạng nghèo đói lan rộng, công nghệ xử lý nước lạc hậu và dân số tăng nhanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào không đồng nghĩa với tỷ lệ phần lớn người dân được tiếp cận các dịch vụ nước sạch. 

Công nghệ xử lý nước thải cũng là mối quan tâm đối với phần lớn các quốc gia đang và kém phát triển, vì công nghệ xử lý nước thải cần sự đầu tư rất tốn kém. Theo kết quả khảo sát, không quốc gia nào có lượng nước thải đã qua xử lý vượt ngưỡng 75% lượng nước thải ra môi trường, trong đó đáng báo động là có tới hai phần ba số nước ghi nhận chưa tới 5% lượng nước thải được xử lý. Đây là vấn nạn chung ở thế giới, nhất là các nước nghèo châu Phi, bởi chi phí đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải không dành cho các quốc gia nghèo và kém phát triển. 

Nỗ lực xử lý nguồn nước ô nhiễm

Tại Hội nghị cấp cao Biển Bắc diễn ra tại thành phố Esbjerg, miền tây Đan Mạch, các nhà lãnh đạo Đức, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan vừa ký một tuyên bố chung nhằm biến Biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp bốn lần công suất năng lượng gió ở Biển Bắc đến năm 2030 và tăng gấp 10 lần công suất năng lượng gió đến năm 2050. 

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng các nước đã ký một số tuyên bố song phương, trong đó bao gồm các mục tiêu về năng lượng hydro xanh và xây dựng các hòn đảo năng lượng ở Biển Bắc. Theo Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen, Biển Bắc sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của châu Âu, cung cấp điện cho hàng triệu người dân trong khu vực. 

Theo thống kê của LHQ, có gần 90% thảm họa khí hậu toàn cầu có liên quan nước như lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, mất an ninh nguồn nước…; trong khi 40% dân số thế giới (khoảng 3,5 tỷ người) dễ bị tổn thương do tác động từ các hiện tượng khí hậu cực đoan. Tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ước tính tiêu tốn 6% GDP của các quốc gia đang và kém phát triển bị ảnh hưởng. Hơn một nửa dân số toàn cầu thiếu khả năng tiếp cận nguồn nước sạch. Trong đại dịch Covid-19, cứ 10 người thì có ba người không có đủ điều kiện để vệ sinh sạch tay như khuyến nghị của WHO, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng 36%.