Nhiều nước mở kho dự trữ dầu chiến lược

Nhằm “hạ nhiệt” giá dầu, Mỹ và Ấn Độ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược và kêu gọi các nước khác có động thái tương tự. Tuy nhiên, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã phản ứng mạnh trước quyết định “xả kho” này và đe dọa sẽ đáp trả.

Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Quyết định lịch sử

Ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này, trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu. Động thái này sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới. Đây là lần đầu Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và là đợt xả kho dầu lịch sử. Nhà trắng nêu rõ, quyết định xuất kho của Mỹ sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ có thể can thiệp hơn nữa nhằm ổn định thị trường.

Chính phủ Ấn Độ cũng thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình, trong hành động phối hợp với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác để “hạ nhiệt” giá dầu. Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang ngày càng lo ngại về giá dầu gia tăng và mong muốn OPEC cùng các đối tác, được gọi là nhóm OPEC+, đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu. Chính phủ Ấn Độ gần đây bày tỏ lo ngại về nguồn cung dầu được điều chỉnh thấp dưới mức nhu cầu bởi các nước sản xuất dầu, dẫn tới việc tăng giá dầu. 

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị một số quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, trong đó có Hàn Quốc, xem xét giải phóng một phần dự trữ dầu thô của các nước này nhằm giảm giá dầu và kích thích đà phục hồi kinh tế. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, Seoul đang xem xét kỹ lưỡng đề nghị của Washington, song Hàn Quốc không thể giải phóng kho dự trữ do giá dầu tăng mà chỉ có thể làm việc này trong trường hợp xảy ra mất cân bằng nguồn cung. Trung Quốc tuy từ chối bình luận về đề nghị của Mỹ, nhưng cho biết đang xem xét việc khai thác kho dự trữ dầu chiến lược. Trong khi đó, một quan chức Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, theo luật, nước này không thể “giải phóng” dự trữ dầu thô để hạ giá năng lượng.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, tại phiên giao dịch đêm 23/11 trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ), giá dầu thô vẫn tăng mạnh. Những tuần gần đây, giá dầu thế giới đã chạm mốc cao nhất trong 7 năm, với việc người dân gia tăng hoạt động đi lại sau khi các nước dỡ bỏ hoặc nới lỏng những quy định hạn chế được áp dụng để phòng, chống đại dịch. Trong khi đó, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhiều nước mở kho dự trữ dầu chiến lược -0
Một kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Ảnh: AP 

Sức ép với OPEC

Các quan chức OPEC+ lên án việc các nước tiêu thụ dầu lớn xả hàng triệu thùng dầu thô dự trữ là không hợp lý, cho biết liên minh dầu mỏ có thể có động thái đáp trả. Hiện, các nước OPEC+ vẫn kiên quyết không tăng sản lượng dầu thô khai thác mỗi ngày cho đến ngày 2/12. Trước đó, bất chấp lời đề nghị của Tổng thống Joe Biden và các khách hàng lớn về việc “bơm” thêm dầu thô ra thị trường, OPEC+ vẫn kiên định bổ sung 400.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng 12.

Trên thực tế, việc Mỹ gây sức ép để OPEC tăng sản lượng dầu và “hạ nhiệt” giá dầu thô cho thấy, OPEC dù muốn cũng không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhanh hơn. Hiện tại, do những tác động của đại dịch Covid-19, chỉ có ba thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung. Trong dài hạn, ngày càng nhiều thành viên không còn khả năng dự trữ. OPEC+ nhấn mạnh, việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày là để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022 nếu tăng quá nhanh sản lượng. 

Các chuyên gia cảnh báo, mâu thuẫn giữa OPEC+ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn có thể bùng phát thành một “cuộc chiến” nghiêm trọng nhất trên thị trường năng lượng, kể từ khi diễn ra sự cạnh tranh giá dầu khốc liệt giữa Saudi Arabia và Nga hồi đầu năm 2020. Ngoài ra, tranh chấp giữa OPEC+ và nhóm các nước tiêu thụ dầu hàng đầu còn làm lộ rõ mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo dự báo, nhiều khả năng nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ thặng dư trở lại ngay sau tháng 12. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, việc các quốc gia giải phóng kho dự trữ năng lượng không có tác động mạnh đến giá dầu thế giới. Dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 tới nhằm thảo luận chính sách dầu mỏ trong thời gian tới.