Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo báo cáo của LHQ, gần 40% dân số thế giới (khoảng ba tỷ người) không đủ tiền để có được các chế độ ăn lành mạnh. Tỷ lệ người đói, suy dinh dưỡng và béo phì đều gia tăng. Tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra khiến tình hình vốn đã xấu càng trở nên tồi tệ. 

Hàng triệu người dân châu Phi thường xuyên thiếu thực phẩm. Ảnh: AP
Hàng triệu người dân châu Phi thường xuyên thiếu thực phẩm. Ảnh: AP

Tỷ lệ suy dinh dưỡng lan rộng

Đại dịch đẩy thêm 140 triệu người vào cảnh không thể tiếp cận những thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, cách thức sản xuất, tiêu thụ và lãng phí thực phẩm của con người cũng đang gây hậu quả cho Trái đất, cũng như đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và môi trường, khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020, thế giới có gần 2,37 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực, tăng 320 triệu người chỉ trong vòng một năm. Trong khi đó, Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) cho biết, số người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ khẩn cấp cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua. Báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO) công bố cuối năm 2020 cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tập trung tới hơn một nửa trong số 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. 

Đặc biệt, tại Nam Á, do dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, số người rơi vào tình cảnh đói ăn dự kiến sẽ tăng lên 330 triệu trong vòng 10 năm tới. Khoảng 155 triệu người trên thế giới thường xuyên thiếu thốn thực phẩm, trong đó người dân châu Phi chiếm tới hai phần ba. Tuy nhiên, các khu vực khác trên thế giới cũng không miễn nhiễm, với Yemen, Afghanistan, Syria và Haiti nằm trong số 10 quốc gia bị khủng hoảng nặng nề nhất. Ngoài ra, có ít nhất 28 triệu người nữa đang đứng trước ngưỡng khẩn cấp của khủng hoảng lương thực, có nghĩa là họ chỉ cách nạn đói một ranh giới mong manh. 

FAO cảnh báo, 8,7% dân số khu vực Trung Mỹ, khoảng 15,2 triệu người, đang trong tình trạng thiếu ăn hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực. FAO cũng chỉ ra rằng 65,7 triệu người, chiếm 37,4% tổng dân số của khu vực Trung Mỹ, rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Tại khu vực thuộc Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA), bao gồm Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Belize và CH Dominica, 13,1% dân số (ước khoảng 23,1 triệu người) đang phải sống trong tình trạng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quan chức của FAO phụ trách dinh dưỡng tại khu vực Mỹ latin và Caribe, ông Israel Rios đánh giá, tình trạng này là hệ quả của việc người dân thiếu nguồn lực tài chính, khiến họ phải đối mặt nhiều thách thức để có đủ thực phẩm và bảo đảm dinh dưỡng. Do đó, suy dinh dưỡng mãn tính hoặc chậm phát triển ở trẻ em dưới 5 tuổi ảnh hưởng đến 13% trẻ em ở Trung Mỹ (khoảng hai triệu trẻ) và khoảng 100.000 trẻ vị thành niên nhẹ cân hoặc thiếu chiều cao so mức tiêu chuẩn chung của thế giới. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tình trạng thừa cân ngày càng gia tăng với gần một triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và trong các trường học có từ 20 - 40% trẻ em có cân nặng trên mức trung bình. 

Theo ông Israel Rios, kịch bản về nạn đói, trẻ em suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực hoặc thừa cân và béo phì là các yếu tố chính làm gia tăng tình trạng bệnh tật, tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong.

Xây dựng hệ thống lương thực bền vững

Trong thông điệp nhân Ngày Lương thực thế giới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước xây dựng các hệ thống lương thực bền vững, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên toàn thế giới. Theo ông, chủ đề của Ngày Lương thực thế giới 2021 là  “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai - Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống” đã phản ánh rõ rằng, sức mạnh hành động để thay đổi thực trạng nằm trong tay chính con người. 

Tổng Thư ký Guterres khẳng định, con người có thể thay đổi cách thức tiêu thụ thực phẩm và lựa chọn những chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn cho bản thân và cho Trái đất. Ông kêu gọi tất cả cùng cam kết hành động để các hệ thống lương thực trên thế giới có thể đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, mang lại hiệu quả dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.

Lời kêu gọi bảo đảm an ninh lương thực bền vững càng trở nên cấp thiết hơn, khi các chuyên gia dự báo ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính tăng lên 9,3 tỷ người vào năm 2050. Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để cung cấp đủ lương thực với giá cả phải chăng cho mọi người, đặc biệt khi thế giới đang cùng lúc phải hứng chịu tác động của đại dịch Covid-19, xung đột và biến đổi khí hậu.