Mỹ và EU xây dựng chương trình hợp tác mới

Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) nhất trí “làm mới” quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và thiết lập chương trình nghị sự chung về hợp tác Mỹ - EU thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU tại Brussels. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU tại Brussels. Ảnh: AFP

Kết quả trên đạt được tại Hội nghị cấp cao Mỹ - EU, diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 15-6. Đây là cuộc gặp cấp cao Mỹ - EU đầu tiên kể từ năm 2014.

Tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với EU là vì lợi ích của Mỹ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng, nước Mỹ trở lại hợp tác toàn cầu là tin tuyệt vời.

Trong tuyên bố chung của Hội nghị, Mỹ và EU nhất trí tăng cường hợp tác trong một loạt vấn đề. Hợp tác nhằm chấm dứt đại dịch, ứng phó thách thức về y tế trong tương lai và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững được hai bên xác định là ưu tiên hàng đầu. Mỹ và EU tiếp tục phối hợp bảo đảm phân phối công bằng, với giá phù hợp, đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 thông qua việc hỗ trợ các cơ chế COVAX và chương trình Tăng tốc tiếp cận công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A), do Tổ chức Y tế thế giới (WTO) chủ trì.

Tuyên bố chung Mỹ - EU nhấn mạnh cam kết bảo vệ hành tinh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác chống biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học... Về hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ, Mỹ và EU cam kết duy trì trật tự quốc tế với vai trò nòng cốt của LHQ, thúc đẩy cải cách thể chế đa phương. Trong khuôn khổ Hội nghị, Mỹ và EU ra mắt Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC), có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuỗi cung ứng công nghệ, tăng cường quan hệ đối tác nghiên cứu trong các vấn đề thương mại và công nghệ. 

Cam kết thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, Mỹ và EU nêu quan ngại và phản đối mạnh mẽ âm mưu, hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở những khu vực biển có tranh chấp; nhấn mạnh tầm quan trọng then chốt của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; khẳng định hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ. Hai bên khẳng định phối hợp trong các nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu, ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.