Lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos 2022 vừa tiến hành phiên thảo luận về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, trong đó Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái là diễn giả chính. Các nước tham dự hội nghị kêu gọi cần có sự đầu tư và phối hợp hài hòa giữa các nước và có các cơ chế khác nhau để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất từ trước đến nay.

Một phiên thảo luận tại WEF Davos 2022 của các nhà lãnh đạo thế giới. Ảnh: WEFORUM
Một phiên thảo luận tại WEF Davos 2022 của các nhà lãnh đạo thế giới. Ảnh: WEFORUM

400 triệu người đối mặt nạn đói

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc LHQ, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là “vựa bánh mì của thế giới”, với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển. Tuy nhiên, xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, khiến giá lương thực toàn cầu leo thang khoảng 30% so cùng kỳ năm 2021. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng cảnh báo, các cuộc xung đột hiện vẫn là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến “một cơn bão hoàn chỉnh” gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, làm gia tăng đói nghèo và giá lương thực tăng cao. Việc bảo đảm nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm tới nếu không chú trọng đến việc tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo Giám đốc WFP David Beasley, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng trong tình trạng đáng báo động. Vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên đáng chú ý khi có tới 400 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đối mặt nạn đói. WFP kêu gọi các nước có các cơ chế khác nhau cùng phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bà Mariam Mohammed Saeed Al Mheiri nhấn mạnh, cần tạo dòng chảy thương mại về lương thực, tiêu thụ ít thịt hơn, giải quyết vấn đề lãng phí lương thực, duy trì lối sống khỏe, đầu tư vào công nghệ về nông nghiệp, bảo vệ nguồn đất. Bà kêu gọi các quốc gia đưa hệ thống lương thực vào mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình, tiếp tục thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu và học hỏi lẫn nhau.

Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất quan trọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững; loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ latin.

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực -0
Châu Phi đang đối diện tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Ảnh: REUTERS 

Hỗ trợ châu Phi

Tại Hội nghị WEF 2022, Phó Tổng thống CH Thống nhất Tanzania Philip Isdor Mpango cho rằng, châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu làm tác động tiêu cực hơn đến chính sách an ninh lương thực. Theo Phó Tổng thống, châu Phi cần được đầu tư cơ sở thiết yếu nông nghiệp, tưới tiêu, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi về đất trồng, cần tăng cường đầu tư vào phân bón, đa dạng các nguồn giống.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), giá lúa mì đã tăng hơn 45% ở châu Phi kể từ tháng 2. Giá phân bón đã tăng 300% và châu lục này đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt hai triệu tấn phân bón. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở Sahel, nơi có tới 18 triệu người sẽ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong ba tháng tới. Ngoài ra, vùng Sừng châu Phi cũng đang trong tình trạng hạn hán với gần 20 triệu người bị nạn đói đe dọa.

Nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ở “lục địa đen”, AfDB tuyên bố dành 1,5 tỷ USD giúp các quốc gia châu Phi nhanh chóng sản xuất lương thực nhằm bù đắp cho việc mất nguồn cung do tình hình hiện tại của thị trường quốc tế. Chủ tịch AfDB, ông Akinwumi Adesina cho biết, kế hoạch viện trợ này nhằm tăng sản lượng lúa mì, ngô, gạo và đậu nành trên lục địa. 

Theo AfDB, kế hoạch trên sẽ mang lại lợi ích cho 20 triệu nông dân châu Phi, những người sẽ nhận được các loại hạt giống tốt và công nghệ phù hợp để nhanh chóng sản xuất 38 triệu tấn thực phẩm. Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm các khoản vay nhằm cung cấp phân bón với quy mô lớn cho các đại lý và các nhà bán buôn, cũng như hỗ trợ cải cách chính sách đất đai ở các quốc gia trên khắp lục địa.