Kêu gọi khôi phục đối thoại với Triều Tiên

Nhiều nước kêu gọi tăng nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và phóng vật thể chưa xác định trong những ngày qua. 

Đặc phái viên hạt nhân Mỹ phát biểu ý kiến tại cuộc gặp ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Đặc phái viên hạt nhân Mỹ phát biểu ý kiến tại cuộc gặp ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Ngày 15/9, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã phóng vật thể không xác định ra vùng biển Nhật Bản. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo, vật thể này đã rơi xuống biển, ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. JCS và JCG đang theo dõi sát và chưa cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc. 

Thông tin về Triều Tiên phóng vật thể chưa xác định được đưa ra hai ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo đã thử thành công tên lửa hành trình tầm xa sau hai năm nghiên cứu. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong vụ thử được thực hiện cuối tuần trước, tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới đã bay khoảng 1.500 km và đánh trúng mục tiêu trước khi rơi xuống biển. Vụ thử khẳng định “ý nghĩa chiến lược” của việc sở hữu thêm một công cụ răn đe hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, ngăn chặn các hoạt động diễn tập quân sự của các lực lượng thù địch. 

Hàn Quốc, Nhật Bản đều cho biết đang tiến hành phân tích chi tiết về vụ thử tên lửa hành trình của Triều Tiên và cùng Mỹ theo sát diễn biến tiếp theo. Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) tuyên bố, vụ thử mới nhất cho thấy Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy chương trình quân sự, tiềm ẩn nguy cơ với khu vực và quốc tế. 

Trong khi đó, Nga nêu rõ, tên lửa của Triều Tiên không gây mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga và vụ thử của Bình Nhưỡng không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Hiện Triều Tiên chịu lệnh trừng phạt của LHQ liên quan vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song không bị cấm phát triển tên lửa hành trình. Các chuyên gia dự đoán, vụ thử tên lửa hành trình mới có thể đánh dấu bước tiến của Triều Tiên trong công nghệ vũ khí.

Triều Tiên xác nhận thử tên lửa hành trình mới trùng dịp các đặc phái viên hạt nhân Mỹ, Nhật Bản và Hàn có các cuộc gặp tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Tại cuộc đàm phán ba bên cũng như hội đàm song phương, cả ba nước đều khẳng định duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm nối lại đối thoại với Triều Tiên, đồng thời thảo luận cách thức hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Pháp cũng kêu gọi Triều Tiên phản hồi đề xuất khôi phục đối thoại.