EU tìm tiếng nói chung

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang đe dọa Liên hiệp châu Âu (EU), Hội nghị cấp cao EU diễn ra ngày 21 và 22/10 tới tại Brussels (Bỉ) sẽ thảo luận về cách giảm tác động với người tiêu dùng châu Âu. Ngoài ra, nguy cơ về một làn sóng tử vong mới do Covid-19 cũng là vấn đề cấp bách mà EU cần tìm tiếng nói chung tại hội nghị lần này.    

Các kho nhiên liệu tại châu Âu đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Ảnh: EURACTIV
Các kho nhiên liệu tại châu Âu đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Ảnh: EURACTIV

Kỳ vọng cách tiếp cận chung về giá năng lượng

Trong bối cảnh các quốc gia thành viên EU vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% lượng khí tự nhiên phục vụ nhu cầu về năng lượng, việc giá khí đốt và năng lượng châu Âu tăng phi mã khi mùa đông đang đến gần đã gia tăng áp lực với nhiều chính phủ, trong đó một số nước đã phải triển khai các biện pháp khẩn cấp.  Điều này làm trầm trọng thêm nỗi lo lạm phát cao khi nền kinh tế EU phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. 

Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) thông báo, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận về giá năng lượng tăng cao và tác động ngắn hạn của giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp EU. Chủ tịch EC Charles Michel khẳng định, các nước EU có “không gian chính trị” để nhất trí về một cách tiếp cận chung cho toàn khối giúp giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao. 

Hiện, các nước EU vẫn chia rẽ về cách thức phản ứng với tình trạng giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp muốn EU có phản ứng chung và đề nghị EU thành lập quỹ chung giúp các nước thành viên ứng phó với khủng hoảng. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez mong muốn EC có thể đứng ra mua năng lượng cho các thành viên EU theo gói tổng thể, giống như cách khối này đã mua vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, nhóm các nước do Đức và Hà Lan dẫn đầu lại kêu gọi thận trọng, cho rằng tình trạng này chỉ xảy ra trong ngắn hạn và liên quan cú sốc cung ứng chưa từng có tiền lệ do tác động của đại dịch Covid-19.

Trước mắt, EC đã hối thúc các thành viên EU giải ngân các quỹ hỗ trợ dành cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhỏ của EU, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt về năng lượng. Theo đó, chính sách ngắn hạn này có thể giúp giảm nhẹ những tác động xã hội và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, EU cũng lên kế hoạch thiết lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của khối, đồng thời tách giá điện khỏi giá khí đốt. Về dài hạn, EU cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, giúp liên minh này không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu và giúp bình ổn giá năng lượng. 

Chia rẽ về tiêm mũi vaccine tăng cường

Ngoài cuộc khủng hoảng giá năng lượng buộc các nhà lãnh đạo EU cần sớm tìm ra giải pháp, EU còn cần tìm cách tiếp cận chung trong cuộc chiến chống lại đại dịch, trong bối cảnh khối này đối mặt nguy cơ làn sóng tử vong mới vì Covid-19 trong thời gian tới. Hiện, các nước thành viên EU đang có những chính sách khác nhau về việc tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người trên 16 tuổi. 

Pháp, Italia, Đức và Ireland đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19. Hà Lan dự kiến chỉ triển khai tiêm mũi tăng cường với những đối tượng suy giảm miễn dịch. Đan Mạch sẽ tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và người trên 65 tuổi. Trong khi đó, Thụy Sĩ tuyên bố không triển khai tiêm mũi bổ sung. Việc tiêm mũi vaccine tăng cường cũng bộc lộ sự chia rẽ ngay trong nội bộ các nước. 

Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhận định rằng, tỷ lệ tiêm chủng của khu vực vẫn còn quá thấp khi chỉ 61% dân số châu Âu được tiêm đủ liều vaccine, cảnh báo nguy cơ khiến số người mắc và tử vong vì Covid-19 tăng mạnh trong bốn tuần tới. Chỉ ba nước Malta, Bồ Đào Nha và Ireland có lượng người tiêm vaccine vượt ngưỡng 75% dân số, trong khi con số này ở Bulgaria là 25% và tại Romania là 28%. 

Giới chuyên gia dự báo làn sóng lây nhiễm thứ tư này có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa tháng 11 tới và tác động lớn hơn những đợt trước. Tuy nhiên, việc EU đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ khuấy động những tranh cãi về tích trữ vaccine phòng Covid-19  ở các nước giàu.