EU cân nhắc trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania vừa cùng tới Kiev, mang theo thông điệp ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ủy ban châu Âu (EC) cũng khuyến nghị EU trao cho quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Quyết định dự kiến được các lãnh đạo EU thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong tuần này.

Tổng thống Ukraine (giữa) hội đàm với lãnh đạo Đức, Pháp, Italy và Romania tại Kiev. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Ukraine (giữa) hội đàm với lãnh đạo Đức, Pháp, Italy và Romania tại Kiev. Ảnh: REUTERS

Thông điệp ủng hộ

Bốn nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã đến Thủ đô Kiev hôm 16/6, trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Ukraine Volodymyr Zelensky. Phát biểu ý kiến tại họp báo sau hội đàm, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Cả bốn chúng tôi ủng hộ lập tức trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine”. Thủ tướng Đức Scholz khẳng định Berlin ủng hộ một quyết định tích cực và có lợi cho Kiev.

Cuộc gặp tại Kiev giữa các lãnh đạo EU với Tổng thống Ukraine diễn ra cùng thời điểm với các cuộc đàm phán hậu trường của EC, nhằm thống nhất quan điểm liên quan việc chấp thuận đơn của Ukraine xin gia nhập EU hay không. Ngày 17/6, EC đã chính thức đưa ra khuyến nghị trao Ukraine quy chế ứng cử viên cho EU. 

Phát biểu ý kiến với báo giới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ: EC tin rằng Ukraine nên được trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU. Theo lãnh đạo EC, Ukraine có một nghị viện và nền dân chủ mạnh mẽ, một xã hội sôi nổi và tích cực. Ukraine cần thay đổi để phù hợp yêu cầu của EU, song quan trọng là Ukraine đã thể hiện rõ ràng mong muốn và quyết tâm theo đuổi các giá trị và tiêu chuẩn châu Âu.

Trước đó, hôm 8/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên EU cùng phối hợp để trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine. Các nghị sĩ EP cũng kêu gọi EU hướng tới tích hợp Ukraine vào thị trường chung EU theo các thỏa thuận.

Chặng đường phía trước

Kiev nộp đơn xin gia nhập EU vào thời điểm chưa đầy một tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn tranh cãi về yêu cầu của Kiev muốn đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU của Ukraine. Theo các nguồn tin ngoại giao, một nhóm các nước EU, trong đó nổi bật là Ba Lan, dành ủng hộ cao nhất cho việc trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Trong khi đó, nhóm thành viên khác, trong đó có Hà Lan, lại ủng hộ lập trường thận trọng hơn.

Trong khi đó, Nga cho biết không phản đối việc Ukraine gia nhập EU sau quyết định của EC ủng hộ việc Kiev trở thành thành viên khối này. Tuy nhiên, Điện Kremlin lưu ý rằng, Nga sẽ theo sát các diễn biến liên quan tiến trình Ukraine gia nhập EU, nhất là trong bối cảnh hợp tác quốc phòng của khối gia tăng. Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ: Với bất kỳ quốc gia nào, tham gia các liên minh kinh tế là quyền của họ và EU không phải là một khối quân sự.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, quyết định trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine sẽ được thảo luận kỹ và có thể được đưa ra tại hội nghị các nhà lãnh đạo EU, dự kiến được tổ chức trong hai ngày 23 và 24/6 tới. Việc chấp thuận khởi động đàm phán việc Ukraine gia nhập EU phải được tất cả 27 nước thành viên khối chấp thuận. 

Giới quan sát nhận định, sự chấp thuận của EC có ý nghĩa quan trọng, song mới chỉ là bước đầu tiên trên hành trình Ukraine gia nhập EU. Ngay cả khi được các lãnh đạo EU nhất trí trao tư cách ứng cử viên, Ukraine sẽ phải trải qua lộ trình đàm phán phức tạp và kéo dài. Thực tế cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ từng nộp đơn xin gia nhập từ năm 1987, được trao quy chế ứng cử viên vào năm 1999, song phải đến năm 2005 mới có thể khởi động đàm phán.