Đức bầu Quốc hội mới

Sáng 26/9, hơn 60 triệu cử tri Đức tham gia bầu Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021 - 2025, tại các điểm bỏ phiếu ở 299 khu vực bầu cử trên toàn quốc. 

Cử tri Đức đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở Berlin. Ảnh: REUTERS
Cử tri Đức đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở Berlin. Ảnh: REUTERS

Cuộc bầu cử này có tổng cộng 47 chính đảng với 6.211 ứng cử viên và đây cũng là cuộc bầu cử có số ứng cử viên cao nhất từ trước tới nay, trong đó số ứng cử viên nữ cao kỷ lục, chiếm 33%.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này. Trong chiến dịch tranh cử của mình, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) cam kết sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, đồng thời mở rộng đáng kể các nguồn năng lượng tái tạo. Về kinh tế, liên đảng CDU/CSU đang tập trung vào phát triển hydro trung hòa khí thải để thay thế than trong công nghiệp, với mục tiêu loại bỏ sản xuất nhiệt điện vào năm 2038. 

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) theo đường lối trung tả mong muốn Đức hoàn toàn sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo sớm nhất vào năm 2040. Một trong những điểm gây chú ý của đảng Xanh là đề xuất thành lập một bộ bảo vệ khí hậu trong tương lai, với quyền phủ quyết các luật mâu thuẫn với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Đảng Xanh ủng hộ việc cắt giảm 70% lượng khí thải cũng như loại bỏ than đá vào năm 2030, đầu tư 100 tỷ euro vào hệ thống đường sắt chạy bằng điện vào năm 2035. Với đảng Dân chủ Tự do (FDP), mua bán hạn ngạch khí thải trên thị trường tự do là trọng tâm trong chính sách bảo vệ khí hậu. 

Trong khi đó, đảng Cánh tả có mục tiêu bảo vệ khí hậu tham vọng nhất, với cam kết Đức sẽ giảm lượng khí thải tới 80% vào năm 2030, đồng thời mong muốn quốc hữu hóa các công ty năng lượng lớn. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lại có quan điểm trái ngược, muốn duy trì nhiệt điện và yêu cầu Đức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chống lại việc loại bỏ động cơ xăng và diesel về lâu dài. 

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, đảng SPD dẫn đầu với số điểm khá sít sao so liên đảng CDU/CSU, trong khi đảng Xanh đứng ở vị trí thứ 3. Nhiều khả năng việc lập một chính phủ cầm quyền sẽ cần tới 3 đảng để có quá bán số ghế trong Quốc hội khóa mới.

Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức khóa 20 cũng là lần đầu Thủ tướng đương nhiệm không tham gia tái tranh cử sau 16 năm liên tiếp nắm giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ Đức. Sau khi có kết quả bầu cử, đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập chính phủ với việc tìm kiếm liên minh cầm quyền với các đảng khác để giành quá bán ở Quốc hội. Dù tiến trình thành lập chính phủ có kéo dài, bà Angela Merkel cùng Chính phủ Đức sẽ vẫn tại nhiệm cho tới khi một Thủ tướng mới được bầu.