Còn nhiều bất đồng

Nga vừa tiến hành các cuộc đàm phán con thoi với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với trọng tâm là vấn đề an ninh trong khu vực. Dù hai phía đã rất nỗ lực nhưng các cuộc đàm phán vẫn cho thấy còn tồn tại nhiều bất đồng khó giải quyết trong một sớm một chiều giữa Moscow và phương Tây.

Quân đội Ukraine tham gia một cuộc tập trận với lực lượng NATO năm 2021. Ảnh: CFP
Quân đội Ukraine tham gia một cuộc tập trận với lực lượng NATO năm 2021. Ảnh: CFP

Không tìm thấy tiếng nói chung

Cuộc đàm phán về an ninh giữa Nga và Mỹ ngay trong những ngày đầu năm mới được kỳ vọng sẽ phá lớp băng lạnh lẽo trong quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, cũng giống như những lần trước, cuộc đàm phán này vẫn không tạo được sự đột phá trong những vấn đề then chốt. Trong khi Moscow mong muốn Washington đàm phán một cách thực chất, có thái độ rõ ràng về hai đề xuất của Nga về bảo đảm an ninh, thì Mỹ lại hướng cuộc đàm phán sang hướng có lợi cho phương Tây. 

Điểm vướng mắc nhất trong cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ là vấn đề Ukraine. Trong khi Moscow đề nghị Washington rút các cố vấn quân sự khỏi Kiev, dỡ bỏ lệnh trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức, thì Mỹ lại muốn Nga rút 100.000 binh sĩ khỏi khu vực giáp biên giới với Ukraine. Washington lo ngại việc Moscow tăng cường binh sĩ gần lãnh thổ Ukraine đồng nghĩa với ý định tiến hành một cuộc tiến công quân sự. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào như vậy, đồng thời nêu rõ Moscow có thể triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình theo cách mà nước này lựa chọn. Trong khi Mỹ và các đồng minh hy vọng tiếp tục các cuộc đàm phán với Nga, thì Moscow tỏ ra không hào hứng, với lý do các cuộc đối thoại không mang lại kết quả thực chất và cụ thể. 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định, việc Mỹ và các đồng minh không sẵn sàng đáp ứng những đề xuất quan trọng của Nga về bảo đảm an ninh khiến đàm phán đi vào ngõ cụt. Ông Ryabkov cho rằng, không có lý do gì để tổ chức một vòng đàm phán mới trong tương lai gần, song khẳng định đối thoại vẫn được tiếp tục tiến hành trên các mặt trận khác. 

Điện Kremlin cũng đưa ra đánh giá không mấy lạc quan về đàm phán an ninh giữa Nga và phương Tây, cho rằng còn tồn tại nhiều bất đồng trong các vấn đề chính, đồng thời bày tỏ thất vọng về bản dự thảo trừng phạt Moscow do các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đề xuất. Điện Kremlin nêu rõ, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ nhằm vào cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ “vượt ranh giới” và có thể khiến quan hệ song phương càng thêm xấu.

Còn nhiều bất đồng -0
Các tàu chiến của NATO thường xuyên hiện diện trên Biển Đen. Ảnh: AFP 

Tìm kiếm khởi đầu mới

Cuộc đàm phán giữa Nga và NATO được tổ chức ngay sau cuộc gặp với Mỹ, được đánh giá là cơ hội hiếm hoi để hai bên hóa giải căng thẳng. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc gặp Mỹ, cuộc đàm phán giữa Nga và NATO cũng không mang lại kết quả tích cực. Nga bày tỏ thất vọng khi NATO phớt lờ yêu cầu liên minh quân sự này ngừng kế hoạch mở rộng về phía đông, hành động mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh lớn đối với Nga. Moscow yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập khối sau năm 1997, tức toàn bộ các nước ở phía đông của khối này, gồm Ba Lan, Czech, Hungary, tám nước khu vực Balkan và ba nước vùng Baltic, mà không có sự đồng ý của Nga. NATO cũng cần tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga.

Ngoài ra, Nga và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực có thể gây tổn hại tới bên kia. Moscow yêu cầu NATO hủy bỏ quyết định năm 2008 về kết nạp Ukraine và Gruzia, qua đó thiết lập một sự khởi đầu mới cho quan hệ giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết, NATO đã thể hiện lập trường cứng rắn trong đàm phán an ninh với Nga khi phản bác những đề xuất an ninh của Moscow, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế, đi ngược với chính sách mở rộng khối.

Nga phàn nàn rằng, với năm đợt kết nạp thành viên mới, NATO đã đi ngược lại cam kết không mở rộng về phía đông, được đưa ra vào những năm 1990, cũng như việc triển khai các hệ thống tên lửa ở Romania và Ba Lan là nhằm vào Moscow. Theo Nga, năm 2021, NATO còn tăng 60% tần suất các chuyến bay do thám trong khu vực Biển Đen. Số lần xuất kích tăng từ 436 lên 710 lần và sự hiện diện của các tàu chiến và tàu hậu cần của NATO ở khu vực này đã trở thành thường trực. Các hoạt động quân sự này khiến phía Nga cảm thấy bất an.

Dù không có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO, nhưng các chuyên gia phân tích chính trị vẫn nhận định ý nghĩa tích cực. Họ cho rằng, việc Moscow và phương Tây chịu ngồi đàm phán với nhau là một tín hiệu tốt, thể hiện thiện chí của cả hai phía trong tìm kiếm giải pháp bảo đảm an ninh trong khu vực và thế giới.