Bước tiến mới chống Covid-19

Hội nghị cấp cao toàn cầu lần thứ hai về đại dịch Covid-19 diễn ra theo hình thức trực tuyến đã nhận được cam kết hỗ trợ tài chính và chia sẻ công nghệ lên tới ba tỷ USD để thế giới cùng nỗ lực đẩy lùi đại dịch.

Người dân Mỹ xét nghiệm Covid-19 tại một điểm y tế ở New York. Ảnh: GETTY IMAGES
Người dân Mỹ xét nghiệm Covid-19 tại một điểm y tế ở New York. Ảnh: GETTY IMAGES

Thu hút tài trợ và chia sẻ công nghệ y học

Hội nghị diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Mỹ, cùng với Đức - nước Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Indonesia - nước Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Senegal - nước Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và Belize - nước Chủ tịch của Cộng đồng Caribe (CARICOM). Hội nghị cấp cao về Covid-19 lần thứ hai hướng tới hai mục tiêu bao trùm: Tăng gấp đôi các nỗ lực của các bên nhằm kiểm soát dịch và bảo đảm giúp thế giới sẵn sàng chuẩn bị cho các mối đe dọa về y tế khác trong tương lai. 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các chiến dịch tiêm phòng Covid-19 trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ, việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách cũng đã tiến triển. Tuy nhiên, ông cảnh báo đại dịch chưa qua đi và tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn, nỗ lực hết sức để ngăn chặn các ca tử vong vì Covid-19.

Theo thông báo từ Nhà trắng, hội nghị đã nhận được thêm những cam kết đóng góp tài chính cho cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19, với tổng giá trị hơn ba tỷ USD, vượt xa các cam kết được đưa ra. Trong đó, hơn hai tỷ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với Covid-19, 962 triệu USD rót vào một quỹ của Ngân hàng Thế giới (WB) để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai và bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, nước này sẽ chia sẻ các công nghệ y học hiện do Chính phủ Mỹ sở hữu được sử dụng để sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời Washington đang nỗ lực để mở rộng xét nghiệm nhanh và điều trị kháng virus cho những cộng đồng dân cư khó tiếp cận. Tính đến nay, Mỹ đã bàn giao hơn 500 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đây là một phần trong cam kết hỗ trợ 1,2 tỷ liều cho các nước mà nước này đưa ra tại Hội nghị cấp cao Covid-19 lần thứ nhất vào tháng 9/2021.

Biến thể phụ đe dọa hơn 50 nước

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến thể phụ BA.2 của Omicron đang phổ biến trên thế giới với số ca mắc Covid-19 đang gia tăng tại hơn 50 quốc gia. Mỹ là một trong những nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng, với tỷ lệ nhập viện tăng nhẹ. Số liệu mới nhất cho thấy, mỗi ngày Mỹ ghi nhận gần 2.400 người mắc Covid-19 phải nhập viện, chủ yếu do biến thể Omicron.

Đến nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 trên thế giới thấp hơn so các giai đoạn trước nhờ khả năng miễn dịch của người dân khá cao sau khi được tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19. Tuy nhiên, WHO lưu ý điều này không được bảo đảm ở những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Tổng Giám đốc WHO khẳng định, ngoài giảm tỷ lệ tử vong và bảo vệ hệ thống y tế, việc tiêm vaccine còn có khả năng giảm hội chứng hậu Covid-19 kéo dài.

Trong khi đó, châu Âu nâng cấp các dòng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron lên thành “biến thể đáng lo ngại”. Ngày 14/5, Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã có sự điều chỉnh phân loại với các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron, bày tỏ quan ngại về một làn sóng dịch trong mùa hè này. Viện Y tế quốc gia Bồ Đào Nha nhận định sự hiện diện của BA.4 và BA.5 có thể gây ra số ca tăng mạnh ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) trong những tuần tới, tháng tới, mặc dù tổng số ca mắc các dòng phụ này hiện nay còn thấp. ECDC cũng kêu gọi người dân ở mọi độ tuổi tiêm các mũi cơ bản và mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19 để giúp bảo vệ trước các biến thể mới khi khả năng miễn dịch giảm dần.