“Biểu đồ” thoát khủng hoảng

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022, đang diễn ra theo hình thức trực tuyến, được kỳ vọng tạo “cú huých mới”, khích lệ đối thoại và hợp tác giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới chung tay lập “biểu đồ” cho hướng đi mới, sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe và y tế toàn cầu.

Tổng Thư ký LHQ Guterres (phải) phát biểu trực tuyến về Chương trình nghị sự Davos năm 2022. Ảnh: GETTY
Tổng Thư ký LHQ Guterres (phải) phát biểu trực tuyến về Chương trình nghị sự Davos năm 2022. Ảnh: GETTY

Hai mối lo hàng đầu

Thế giới bước vào năm thứ 3 chống chọi dịch Covid-19, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt những thách thức với mức độ nghiêm trọng không thua kém những gì xảy ra trong hai năm đại dịch vừa qua. Trong đó, hai yếu tố rủi ro lớn nhất đe dọa phủ bóng mờ lên triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 là dịch bệnh và lạm phát.

Giới chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thương thêm nữa. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu khó kiểm soát. Các nước đang phát triển thiếu nguồn lực, cả tài chính lẫn công cụ chống dịch hiệu quả nhất là vaccine. Trong khi đó, tình trạng lạm phát đã tăng cao mức kỷ lục, tại Mỹ lạm phát lên mức cao nhất 40 năm qua và tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt đỉnh trong 25 năm gần đây.

Lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu sẽ gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và khu vực phụ thuộc các đồng tiền USD và EUR. Dịch Covid-19 phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể, kết hợp với lạm phát cao, cùng tình trạng nợ và bất bình đẳng gia tăng là những yếu tố có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu. Đó cũng là lý do Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 chỉ ở mức 4,1%.

Diễn ra từ ngày 17 đến 21/1 với chủ đề “Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin”, Hội nghị WEF tại Davos năm nay là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới đề xuất giải pháp “vượt bão” cho nền kinh tế thế giới. Mục tiêu của WEF là thúc đẩy hành động phối hợp trong một loạt vấn đề phát triển quan trọng, nhất là kiểm soát đại dịch, ứng phó khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Chương trình nghị sự Davos năm 2022 sẽ khởi động một loạt sáng kiến về đưa phát thải ròng carbon về mức 0, nâng cao khả năng phục hồi, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu, thu hẹp khoảng cách về sản xuất vaccine và chuẩn bị ứng phó các kịch bản đại dịch trong tương lai. 

Ba lĩnh vực cấp bách

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, kinh tế thế giới phục hồi còn mong manh, không đồng đều. Trong khi đó, đại dịch kéo dài tạo ra thách thức dai dẳng cho thị trường lao động, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi lạm phát gia tăng, bẫy nợ rình rập với nhiều nền kinh tế. Bởi thế, cần có sự chung tay, trong đó có cộng đoàn doanh nghiệp toàn cầu, để tìm ra “biểu đồ” mới cho tiến trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế thế giới. Ba lĩnh vực cấp bách cần có giải pháp ngay đã được ông Guterres nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị WEF.

Trước hết là bảo đảm bình đẳng và công bằng trong hành động ứng phó đại dịch, nhất là tiếp cận, phân phối vaccine. Ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, hỗ trợ thử nghiệm, sản xuất vaccine và các phương pháp điều trị. Thứ hai là cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Theo ông Guterres, gánh nặng lạm phát kỷ lục, không gian tài khóa bị thu hẹp, lãi suất cao và giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt là những yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế, nhất là tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. LHQ kêu gọi tạo lập một hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động vì lợi ích của mọi quốc gia. Lĩnh vực cuối cùng, song cần hành động ngay, đó là hỗ trợ các nỗ lực, dự án bảo vệ khí hậu tại các nước đang phát triển. 

Tổng Thư ký LHQ lưu ý rằng, nhiều quốc gia đang rất cần sự hỗ trợ, về cả tài chính và ý tưởng, nếu không cấp tài chính, giảm nợ cho các nước đang phát triển, đà phục hồi không thể được duy trì, kinh tế toàn cầu một lần nữa rơi trở lại suy thoái.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nhấn mạnh: Thế giới kỳ vọng đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng liên quan có thể lắng dịu trong năm 2022. Song để biến hy vọng thành hiện thực, thế giới cần tìm kiếm mô hình mới với tầm nhìn dài hạn, trong đó quan trọng là đổi mới cách thức hợp tác và hành động.