“Bài kiểm tra đạo đức lớn nhất”

Theo AP, tại lễ kỷ niệm 60 năm Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức tại Thủ đô Belgrade của Serbia từ ngày 11 đến 12/10 vừa qua theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi đã nêu bật vấn đề bất bình đẳng vaccine ngừa Covid-19.

Các nước nghèo chưa được tiếp cận vaccine đầy đủ. Ảnh: NPR
Các nước nghèo chưa được tiếp cận vaccine đầy đủ. Ảnh: NPR

Bà Retno cho rằng, công bằng và bình đẳng trong tiếp cận vaccine là “bài kiểm tra đạo đức lớn nhất” mà thế giới đang đối mặt. Theo bà, nạn phân biệt đối xử và chính trị hóa vaccine càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine và khiến quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ tám tỷ USD để tiêm chủng một cách công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay, trong bối cảnh WHO triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.

Phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ: “Thành công của kế hoạch này cần tới sự phân phối công bằng vaccine. Nếu không có một cách tiếp cận công bằng và được điều phối, việc giảm số ca mắc Covid-19 ở bất kỳ một quốc gia nào sẽ không được duy trì theo thời gian”. Ông Guterres cũng kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết “cả thế giới đều được tiêm chủng” tại hội nghị cấp cao của G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italia).