Xung lực mới

Dự kiến tháng 11 tới, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại Anh và được xem là sự kiện thu hút nhiều sự chú ý nhất trong khoảng thời gian cuối năm 2021. Một tín hiệu vui trước thềm COP26 là Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đang có những nỗ lực nhằm cắt giảm những loại khí thải độc hại.

Biếm họa: SHAHID ATIQULLAH
Biếm họa: SHAHID ATIQULLAH

AP cho biết, sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu được Mỹ và EU khởi xướng nhằm thúc đẩy các cam kết đối phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tại COP26. Mục tiêu của sáng kiến là tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so mức của năm 2020. Đến ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới chức EU xác nhận đã có 24 nước ký tham gia sáng kiến này, trong đó có Canada, Nhật Bản, Philippines, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Costa Rica,  CHDC Congo... 

Sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu được Mỹ và EU đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Với số lượng các nước tham gia nói trên, sáng kiến này đến nay tập trung các nước chiếm 60% GDP toàn cầu và 30% lượng khí thải methane trên thế giới. Mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải nêu trên, nếu đạt được, sẽ tác động đáng kể đến các ngành năng lượng, nông nghiệp và rác thải vốn phát thải nhiều khí methane. Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry bày tỏ hy vọng sẽ có hơn 100 nước tham gia cam kết trên trước khi COP26 khai mạc. 

Methane là tác nhân lớn thứ hai, sau CO2, gây ra tình trạng BĐKH. Một số báo cáo gần đây nhấn mạnh việc các chính phủ cần coi trọng các biện pháp giảm thiểu khí methane phát thải trong không khí để thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015, qua đó hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện, hơn 20 tổ chức từ thiện, bao gồm cả những tổ chức của các tỷ phú Michael Bloomberg và Bill Gates, thông báo kế hoạch huy động hơn 223 triệu USD để hỗ trợ các nước giảm lượng khí thải methane.

Tiếp nối các hoạt động con thoi trước thềm COP26, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ khuyến khích các quốc gia giảm thuế năng lượng và phân phối lại lợi nhuận từ việc giá tăng cho những người nghèo thông qua các công cụ khác nhau. Theo ông Breton, tất cả các quốc gia sẽ được hưởng lợi vì có rất nhiều loại thuế đối với năng lượng, đồng thời nói thêm rằng EC sẽ khuyến khích mỗi quốc gia hạ các loại thuế để phân phối lại cho những người thiệt thòi nhất.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng các nước vẫn chưa biến các cam kết thành hành động thực tế trong cuộc chiến chống BĐKH. Ngày 11/10, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực chống BĐKH thông qua hành động thực tế và có kế hoạch trên phạm vi toàn cầu trước thềm COP26. Ông Fatih Birol nhấn mạnh rằng, các nước cần tăng các cam kết đưa lượng khí phát thải ròng về 0 và tìm giải pháp cho vấn đề đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển. Quan chức IEA cho rằng, khí thải mà các nước đang phát triển thải ra sẽ chiếm hơn 80% tổng lượng khí thải trong 20 năm tới, song chỉ 20% khoản đầu tư tài chính vào năng lượng sạch được đổ vào các nước này. Vì vậy, các nền kinh tế phát triển, trong đó có các nước thành viên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cần cam kết bảo đảm nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo cho các nước đang phát triển tại Hội nghị COP26.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tầm quan trọng của những chính sách cấp quốc gia trong cuộc chiến chống BĐKH là rất rõ ràng, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của con người. Ở một góc nhìn tích cực, dịch bệnh góp phần giảm khí thải trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, nếu thiếu các chính sách đúng đắn thì thế giới sẽ lại chứng kiến lượng khí thải gia tăng trở lại sau đại dịch. Để giảm nguy cơ này đòi hỏi triển khai  đồng bộ và toàn diện các chính sách ở từng quốc gia, qua đó tạo xung lực mới cho Hội nghị COP26 đạt được những kết quả khả quan.