Thuận lợi và thách thức

Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khởi đầu cương vị mới trong bối cảnh được cho là thuận lợi, song không đồng nghĩa đã hết thách thức. Nỗ lực khống chế đại dịch có hiệu quả rõ rệt, Nhật Bản dồn lực để phục hồi kinh tế, nhưng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới vẫn chực chờ. Vị thế quốc gia được khẳng định, song duy trì cân bằng chiến lược trong quan hệ đối ngoại vẫn là bài toán khó.

Các nghị sĩ Quốc hội chúc mừng ông Kishida Fumio được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP
Các nghị sĩ Quốc hội chúc mừng ông Kishida Fumio được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP

Trong phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, chỉ rõ những thách thức lớn nhất với chính phủ mới của Nhật Bản, Thủ tướng Kishida khẳng định nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu là ứng phó dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Hiện, số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản giảm mỗi ngày và các biện pháp hạn chế dần được gỡ bỏ. Số ca mắc Covid-19 giảm mạnh, từ mức 25.000 người hồi tháng 8/2021 còn nhỉnh hơn 1.000 ca vào cuối tháng 9 vừa qua. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 58%.  Đây được xem là điều kiện thuận lợi khi chính phủ Thủ tướng Kishida bắt tay vào công việc điều hành đất nước. 

Tuy nhiên, khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các biến thể virus gây Covid-19 vẫn xuất hiện, thì việc kiểm soát dịch bệnh trong nước một cách hiệu quả vẫn là thách thức lớn. Thủ tướng Kishida nêu rõ, quan trọng nhất hiện nay là giúp người dân thấy rõ bức tranh toàn cảnh về nỗ lực của chính phủ và các biện pháp chống dịch trong mọi tình huống. Thủ tướng lập tức chỉ đạo các cơ quan làm rõ các chương trình, giải pháp liên quan việc tiêm chủng, mở rộng xét nghiệm, củng cố hệ thống y tế, nhất là xác định “điểm nghẽn” trong chính sách ứng phó để tìm và triển khai giải pháp mạnh hơn nhằm sớm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.

Gánh nặng từ dịch bệnh giảm bớt tạo thuận lợi để Chính phủ Thủ tướng Kishida tăng nỗ lực để thúc đẩy đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến nền kinh tế Nhật Bản “tăng trưởng âm” trong tài khóa 2020, dù đã phục hồi trong giai đoạn từ tháng 7 đến 12/2020, song vẫn được dự đoán trở lại “mức âm” trong quý III/2021, do tác động từ việc áp dụng tình trạng khẩn cấp để chống dịch. Chia sẻ khó khăn mà người dân đang đối mặt do ảnh hưởng toàn diện của dịch bệnh, Thủ tướng Kishida cam kết mở rộng các biện pháp hỗ trợ, hướng tới mục tiêu khôi phục kinh tế sớm nhất, trong đó duy trì gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ yên, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Áp lực chống dịch giảm dần cũng giúp Chính phủ Thủ tướng Kishida có thể phân bổ nguồn lực và thời gian nhiều hơn cho lĩnh vực đối ngoại, tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Chính sách ngoại giao tích cực, hiệu quả thời gian qua đã đưa Nhật Bản vào vị trí đặc biệt trong nhiều cơ chế hợp tác chiến lược đa phương. Ngay khi nhậm chức, nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản đã nhận được lời chúc mừng và khẳng định hợp tác từ các nước đồng minh, đối tác nhất là trong nhóm “Bộ tứ kim cương” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Kishida đã có các cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, trong đó các bên khẳng định lại các cam kết trong quan hệ đối tác hiệu quả. 

Nhận được cam kết duy trì hợp tác là yếu tố thuận lợi trên mặt trận ngoại giao sắp tới của Nhật Bản, song vẫn có một số thách thức về đối ngoại đặt ra với Chính phủ Thủ tướng Kishida, như cải thiện quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc vốn vẫn căng thẳng do các vấn đề lịch sử và lãnh thổ; thúc đẩy đàm phán Nhật Bản - Nga về chủ quyền vùng lãnh thổ có tranh chấp để mở đường ký hiệp ước hòa bình; hay giải quyết tranh cãi chung quanh vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong chiến tranh nhằm bình thường hóa quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên... 

Nhiệm vụ khó khăn nhất với chính phủ mới của Nhật Bản là làm sao để giữ cân bằng trong các mối quan hệ với các nước lớn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Thủ tướng Kishida từng mô tả Nhật Bản đang trong “tuyến đầu” của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Chính phủ Thủ tướng Kishida được cho là sẽ duy trì chính sách ngoại giao hiện tại của Nhật Bản. Tài liệu về quan điểm đối ngoại Nhật Bản công bố hồi tháng 4 nêu rõ, quan hệ Nhật Bản - Mỹ là “trụ cột ngoại giao và an ninh”; quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc là một trong những “mối quan hệ song phương quan trọng nhất”; và quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc là “láng giềng quan trọng”.