Thông điệp tích cực

Quyết định khôi phục liên lạc trực tiếp được Hàn Quốc và Triều Tiên thông báo đúng dịp kỷ niệm 68 năm ký thỏa thuận đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), gửi đi thông điệp tích cực về đối thoại, xây dựng lòng tin. Đây được xem như “khởi đầu mới” để thúc đẩy cải thiện quan hệ hai bên, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Biếm họa của LISA
Biếm họa của LISA

Cuộc điện đàm đầu tiên đã được thực hiện ngay sau khi đường dây nóng trực tiếp liên Triều được nối lại hôm 27/7 sau 13 tháng bị cắt đứt, do Bình Nhưỡng đơn phương đóng liên lạc để phản đối Seoul đã không ngăn cản các hành động tuyên truyền chống Triều Tiên. Đây là kết quả nỗ lực của các nhà lãnh đạo hai nước hướng tới khôi phục đối thoại. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, kể từ hồi tháng 4, Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhiều lần trao đổi thư cá nhân, đề cập vấn đề khôi phục quan hệ liên Triều; và hai bên đã nhất trí nối lại kênh liên lạc qua biên giới, cũng như thúc đẩy khôi phục lòng tin và cải thiện quan hệ hai nước.

Hồi tháng 6/2020, Triều Tiên cắt tất cả các kênh liên lạc với Hàn Quốc để phản đối “thất bại” của Seoul trong việc ngăn chặn các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Triều Tiên cũng tỏ thất vọng vì Hàn Quốc không thể hồi sinh các dự án kinh tế liên Triều, không thể thuyết phục Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. 

68 năm sau ngày ký thỏa thuận đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên, hai miền Triều Tiên vẫn bị chia cắt dọc theo biên giới kiên cố nhất thế giới kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Mỹ vẫn duy trì khoảng 28.500 binh sĩ trên bán đảo Triều Tiên để bảo vệ đồng minh.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí khôi phục đường dây nóng liên Triều đã dấy lên hy vọng mới. Từ Hàn Quốc, những tiếng nói ủng hộ rộ lên. Các chính đảng ở Hàn Quốc hoan nghênh việc chính phủ hai nước đã có hành động dũng cảm khi quyết định khôi phục liên lạc, thậm chí có ý kiến đánh giá đây như “cơn mưa rào sau hạn hán”. Các chính đảng đều nhận định việc tái kết nối hai miền không chỉ tạo bước đột phá mới trong quan hệ liên Triều, mà còn đóng vai trò quyết định cho nỗ lực củng cố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đánh giá, đây là bước tiến lớn trong việc khôi phục lòng tin, cũng như thúc đẩy hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, phát biểu ý kiến tại hội nghị các cựu chiến binh được tổ chức nhân kỷ niệm thỏa thuận đình chiến, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, các lực lượng vũ trang nước này hoàn toàn sẵn sàng đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, ông không đề cập việc củng cố kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay các mối quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ. Đây là điểm mới, việc không nhắc đến “răn đe hạt nhân” đã gửi đi thông điệp tích cực từ Bình Nhưỡng.

Mỹ lập tức hoan nghênh Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc trực tiếp. Trả lời phỏng vấn của Yonhap, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đây là “bước đi rất tích cực”; khẳng định Mỹ ủng hộ đối thoại và tiếp xúc liên Triều. Trước đó, Nhà trắng từng khẳng định cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên là tìm kiếm phương thức đáng tin cậy, có thể dự đoán và mang tính xây dựng. Mỹ đã đưa ra đề nghị đối thoại và đang chờ phản hồi từ Bình Nhưỡng.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên, giới chức hai bên đều khẳng định hy vọng việc nối lại kênh liên lạc hai miền gửi đi thông điệp tích cực tới thế giới, đặc biệt, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngưng trệ hơn hai năm qua.