Thế bế tắc khó gỡ

Mỹ và Iran vẫn đang cáo buộc nhau gây khó dễ cho các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.  

Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Hossein Amir-Abdollahian cho rằng “chính sách gây áp lực tối đa sai lầm” của Mỹ là nguyên nhân gây bế tắc trong việc khôi phục JCPOA. Trang web của Bộ Ngoại giao Iran vừa đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Bộ trưởng Hossein cho rằng, Mỹ cần phải đưa ra quyết định “thực tế” và “dũng cảm” để bù đắp cho cách tiếp cận “sai lầm” của nước này trong quá khứ, tiến tới việc đạt được một thỏa thuận lâu dài, mạnh mẽ và công bằng. Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết thêm, Tehran và Washington đang tiếp tục trao đổi các thông điệp về việc khôi phục thỏa thuận JCPOA thông qua Liên minh châu Âu (EU). 

Trong khuôn khổ điện đàm, TTK LHQ Guterres đánh giá cao các sáng kiến mà Iran đưa ra tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo), đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, các cuộc thương thảo sẽ tiếp tục được thực hiện cho tới khi các bên đạt được một thỏa thuận “có lợi”. 

Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút nước này khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến phía Iran cũng từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận. 

Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành tám vòng đàm phán tại Vienna để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, trong đó có việc thuyết phục Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran và ngược lại, đưa Iran trở lại tuân thủ các cam kết. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là EU. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây đình trệ.

Phía Iran nêu điều kiện quay trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA, rằng các chính quyền kế nhiệm của Mỹ cần cam kết không từ bỏ thỏa thuận này thêm một lần nào nữa, đồng thời kêu gọi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt theo cách có thể kiểm chứng được. Ngày 1/5 vừa qua, người phát ngôn Chính phủ Iran, ông Ali Bahadori-Jahromi cho biết, Tehran sẽ tiếp tục đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho tới khi lợi ích quốc gia được bảo vệ hoàn toàn. 

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa từ bỏ chính sách gây áp lực lên Iran nhằm buộc quốc gia Hồi giáo từ bỏ tham vọng phát triển hạt nhân. Trong một tuyên bố gần đây, cựu Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki cũng tuyên bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại Iran có thể phát triển một vũ khí hạt nhân “trong vài tuần nữa”. Theo bà Jen Psaki, thời gian cần thiết để Iran sản xuất vũ khí hạt nhân đã giảm xuống từ khoảng một năm xuống còn vài tuần. 

Ngày 7/5, tờ Financial Times đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn JCPOA, qua đó hy vọng phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hiện nay. Trả lời phỏng vấn báo trên, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, ông đang tìm kiếm giải pháp để chấm dứt thế bế tắc hiện nay, vốn đe dọa hủy hoại những nỗ lực ngoại giao của châu Âu hơn một năm qua để đạt được một thỏa thuận hồi sinh JCPOA. Theo Financial Times, thỏa thuận sẽ dẫn tới việc Mỹ tham gia lại JCPOA và dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran, từ đó Tehran sẽ giảm mạnh các hoạt động hạt nhân của mình.

Lo ngại Iran có thể chế tạo bom nguyên tử chính là lý do Mỹ muốn tạo sức ép tối đa, không khoan nhượng trong vấn đề hạt nhân Iran. Chính điều này là rào cản lớn nhất trong các cuộc đàm phán tại Vienna, bởi Teran thường xuyên cáo buộc những biện pháp trừng phạt được bổ sung liên tục của Washington đã phá hoại sự cố gắng khôi phục JCPOA. Với những diễn biến trên, nếu các bên không chịu xuống thang thì thế bế tắc hiện nay sẽ khó có thể tháo gỡ.