Tham vọng Tây Balkan

Giới chức cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) vừa có cuộc gặp các nhà lãnh đạo sáu quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Balkan. Đây được xem như nỗ lực nhằm khôi phục sức hút của EU thời “hậu Brexit” và khẳng định tham vọng mở rộng thành viên khối tới khu vực này.

Biếm họa của DAVID PARKINS
Biếm họa của DAVID PARKINS

Nhận định về cuộc gặp các nhà lãnh đạo các nước và vùng lãnh thổ ở Balkan, bên lề Hội nghị An ninh quốc tế tại Munich (Đức) vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel cho đây là cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở. Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng lạc quan rằng, cuộc làm việc này là bước quan trọng tiến tới quyết định “mở cánh cửa EU” cho các đối tác Balkan, có thể được đưa ra tại Hội nghị cấp cao EU ngày 17-5 tới, ở Thủ đô Zagreb của Croatia, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Ngoài tham dự cuộc gặp cấp cao không chính thức này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cũng có các cuộc tiếp xúc, thảo luận với nhiều đối tác.

Tại khu vực Balkan, bốn quốc gia gồm Albania, Mongtenegro, Bắc Macedonia và Serbia hiện là các ứng cử viên chính thức gia nhập EU; Bosnia Herzegovia và vùng lãnh thổ Kosovo là các ứng cử viên tiềm năng. Cuộc gặp vừa qua tại Munich là sự kiện cấp cao đầu tiên của EU với các đối tác Balkan kể từ tháng 10-2019, thời điểm mà bất đồng nội bộ khiến EU không thể khởi động cuộc đàm phán với Albania và Bắc Macedonia như cam kết, cho dù hai đối tác vùng Tây Balkan nỗ lực cải cách, đáp ứng các điều kiện gia nhập “mái nhà chung”. Bởi thế, cuộc gặp tại Munich có ý nghĩa rất quan trọng với EU, vừa để khẳng định lại tham vọng mở rộng thành viên, vừa xác nhận lại mong muốn của các đối tác, trước thềm Hội nghị cấp cao EU sắp tới.

Không phủ nhận sự kiện Anh rời EU ít nhiều tác động tiêu cực tới “sức hút hội nhập” của EU, thế nên nỗ lực duy trì uy tín của khối được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn “hậu Brexit”. Nhiệm vụ này càng cấp bách hơn đối với khu vực Balkan, khi EU đã bỏ lỡ cơ hội bắt đầu đàm phán với Anbania và Bắc Macedonia như cam kết. Trong đó, Đức đi đầu nhằm đưa tiến trình đàm phán với các đối tác Balkan trở lại đúng hướng. Với chiến lược được gọi là “Tiến trình Berlin”, Đức tập trung hướng các nỗ lực tới hợp tác thiết thực giữa EU với sáu quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan, song tiến trình này đến nay vẫn chưa có bước đột phá.

Trong khi hầu hết các nước thành viên sẵn sàng khởi động đàm phán về việc gia nhập EU của các đối tác Tây Balkan, trước hết là Albania và Bắc Macedonia, Pháp lại không hào hứng, thậm chí dẫn đầu một nhóm nhỏ các nước phản đối tiến trình này. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước mắt cần cải tổ cơ chế mở rộng thành viên của EU, mà theo Paris là “thiếu hiệu quả” và chính là lý do khiến năm ngoái Pháp phủ quyết việc khởi động đàm phán với hai ứng cử viên Balkan đầu tiên. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong tiến trình đàm phán mở rộng EU sắp tới.

Thực tế, trong lịch sử phát triển của EU, các lần mở rộng thành viên đều kèm theo những yêu cầu, tiêu chí mới, nghiêm ngặt hơn. Một dự án cải tổ đang được EU xem xét và chờ được cả 27 thành viên ủng hộ. Tại cuộc gặp ở Munich vừa qua, các đề xuất được đưa ra nhằm làm giảm bớt những nghi ngại, nhất là của Pháp, theo đó tập trung vào “cải cách cơ bản”, vừa bảo đảm các tiêu chí khắt khe hơn về tư cách thành viên EU, song không làm suy giảm khát vọng của các đối tác Balkan.

Theo kế hoạch, tháng 3 tới, EC thông báo các lộ trình đối với từng đối tác Tây Balkan muốn trở thành một phần của EU. Đây là cuộc đối thoại chính trị cấp cao nhất giữa EU và các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực. Những kỳ vọng của các đối tác là cơ sở để EU ra các quyết định quan trọng, tại Hội nghị cấp cao ở Zagreb.