“Phép thử” cho hòa bình Trung Đông

Chính phủ Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đã nhất trí thông qua lệnh ngừng bắn tại dải Gaza, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21-5 vừa qua. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được một phần do nỗ lực trung gian hòa giải của Ai Cập, Qatar cùng với sự phối hợp của LHQ. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến lo ngại xung đột sẽ tái bùng phát nếu chính sách mở rộng định cư của Israel vẫn được đẩy mạnh như hiện nay. 

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Trong 11 ngày giao tranh ác liệt, quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm các mục tiêu của Hamas ở dải Gaza, trong khi lực lượng Hamas bắn hơn 3.000 quả rocket vào các mục tiêu ở Israel. Theo dữ liệu của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, ít nhất 219 người Palestine, trong đó có 63 trẻ em, đã thiệt mạng trong xung đột. Báo giới Israel cho biết có 12 người nước này thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em và một binh sĩ. Ngoài ra, giao tranh khiến hàng nghìn người bị thương, chủ yếu ở Gaza và Bờ tây.

Trước khi Israel và Hamas thông qua lệnh ngừng bắn, các quan chức Nhà trắng đã có hàng chục cuộc điện đàm với giới chức hàng đầu ở Israel và khắp Trung Đông để tìm cách vãn hồi hòa bình. Trong cuộc điện đàm gần nhất với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi “giảm leo thang đáng kể” bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas. Ngoài ra, ông Biden cũng điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi để thảo luận việc Cairo làm trung gian kết nối giữa Israel và Hamas nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.

Phát biểu ý kiến với báo giới ít phút trước khi thỏa thuận có hiệu lực, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh lệnh ngừng bắn đạt được sau 11 ngày giao tranh dữ dội giữa Israel và Hamas. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập và Qatar cùng với sự phối hợp của LHQ nhằm giúp khôi phục sự yên bình ở Gaza và Israel, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. 

Tổng Thư ký LHQ cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần phối hợp LHQ để tích cực hỗ trợ tái thiết nhanh chóng và bền vững cho người Palestine, cũng như tăng cường các thể chế của Palestine. Theo ông Guterres, không chỉ khôi phục sự yên bình, các lãnh đạo Israel và Palestine có trách nhiệm khởi động đối thoại nghiêm túc để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Ông cũng khẳng định cam kết của LHQ phối hợp với Israel, Palestine cùng tất cả các đối tác quốc tế và khu vực, trong đó có nhóm “Bộ tứ Trung Đông”, gồm LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ và Nga, để đưa các bên trở lại các cuộc đàm phán nhằm “chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967, các nghị quyết LHQ, luật pháp quốc tế và những thỏa thuận chung”. 

Xung đột quân sự bùng phát tại dải Gaza bắt nguồn từ các cuộc biểu tình, đụng độ đổ máu kéo dài nhiều tuần trước đó tại khu vực Thành cổ ở Jerusalem. Căng thẳng lên đỉnh điểm khi xảy ra vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 10-5 ở đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (người Israel gọi là Núi Đền). Hơn 300 người Palestine đã bị thương sau khi lực lượng Israel sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình phản đối các lệnh hạn chế đối với tín đồ Hồi giáo trong tháng ăn chay Ramadan. Bầu không khí phản đối càng nóng hơn khi Israel có động thái nhằm trục xuất các gia đình Palestine ở khu dân cư Sheikh Jarrah, gần Thành cổ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và Hamas xuất phát từ chính sách định cư cứng rắn của Israel. Lâu nay, Tel Aviv vẫn liên tục mở rộng các khu định cư tại phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine ở dải Gaza và khu Bờ tây, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hành vi chiếm đóng và mở rộng lãnh thổ này được xem như mồi lửa, luôn chực chờ đốt cháy những nỗ lực thiết lập hòa bình cho khu vực này.

Với những thực tế và căng thẳng chưa tìm ra được giải pháp căn cơ, bền vững, thỏa thuận ngừng bắn nói trên chỉ được xem như “phép thử” cho thiện chí hòa giải của các bên. Bất cứ một hành động vi phạm nào, dù nhỏ, cũng có thể khiến bạo lực bùng phát trở lại với những hệ quả khó đoán định.