Nguy cơ chệch hướng

Bất đồng chính trị sâu sắc tại Afghanistan đang khiến Mỹ lo ngại cuộc đàm phán hòa bình, vốn đã vô cùng khó khăn giữa Washington và lực lượng phiến quân Taliban, có nguy cơ đổ vỡ. “Đòn cảnh cáo” đã được Mỹ đưa ra với Afghanistan với hy vọng hai đối thủ chính trị chủ chốt ở quốc gia Nam Á này gác lại mâu thuẫn để cùng nhau đưa tiến trình hòa bình do Washington bảo trợ tới được đích.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ Afghanistan và sẵn sàng cắt khoản tương tự trong năm 2021 do mối bất đồng tiếp diễn giữa Tổng thống Afghanistan A.Ghani và đối thủ chính trị của ông là A.Abdullah, nhân vật về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9-2019 ở Afghanistan và cũng tự xưng là tổng thống của quốc gia Nam Á này. Theo kết quả bầu cử cuối cùng do Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan công bố, Tổng thống đương nhiệm Ghani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Theo đó, ông Ghani đã giành được 50,64% số phiếu bầu trong khi ông Abdullah chỉ giành được 39,52% số phiếu. Tuy nhiên, ông Ghani không chấp nhận kết quả này và tự tuyên bố giành chiến thắng.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp riêng rẽ với hai nhân vật trên trong chuyến thăm bất ngờ của ông Pompeo tới Afghanistan ngày 23-3, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, sự bất đồng giữa ông Ghani và ông Abdullah đã làm tổn hại quan hệ giữa hai nước và cả những đối tác trong liên minh đã nỗ lực xây dựng tương lai mới cho đất nước Afghanistan. Ông Pompeo bày tỏ sự thất vọng của Mỹ đối với hai ông này cũng như những gì hai ông đã làm cho đất nước Afghanistan và lợi ích chung của hai nước.

Trong chuyến thăm Afghanistan một ngày này, Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo cũng cho biết Mỹ sẽ xem xét cắt giảm thêm viện trợ cho Afghanistan, bao gồm việc từ chối bất cứ đề nghị tài trợ nào trong tương lai của chính quyền Kabul. Người phát ngôn của ông Ghani đã từ chối bình luận, trong khi người phát ngôn của ông Abdullah bày tỏ mong muốn một kết cục hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời để ngỏ khả năng đạt được giải pháp nếu có thêm các cuộc gặp.

Giới phân tích cho rằng, việc ông Abdullah tự xưng là tổng thống sẽ khiến các cuộc đối thoại, do Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Z.Khalilzad làm trung gian, giữa ông Ghani và ông Abdullah khó có thể đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào, đẩy Afghanistan đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị. Diễn biến bất lợi này diễn ra chỉ vài ngày sau hôm 29-2, khi Mỹ và lực lượng Taliban ký kết thỏa thuận mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu về nước. Hiện, Washington đã triển khai kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan như thỏa thuận đã đạt được với Taliban. Theo cảnh báo của Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Cherith Norman Chalet, giải quyết bất đồng chính trị là điều kiện quan trọng cho hòa bình của Afghanistan, bởi bất đồng chính trị tại nước này là nguyên nhân khiến Taliban tiếp tục thực hiện các vụ tiến công bạo lực.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tới Afghanistan diễn ra trong bối cảnh người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sắp có cuộc gặp với đại diện Taliban tại Doha (Qatar). Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao nhất giữa đại diện của Mỹ và của Taliban nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan. Tuy nhiên, bất chấp các bước tiến của thỏa thuận Mỹ - Taliban được thực hiện gần đây, như Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu rút quân, trao đổi tù nhân, Taliban giảm các vụ tiến công…, bất đồng chính trị có thể đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, khiến những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Mỹ thời gian qua với Taliban đối mặt sự đổ vỡ.

Với những khó khăn kinh tế hiện nay, giới quan sát nhận định rằng cảnh báo cắt giảm viện trợ của Mỹ là “tối hậu thư” để buộc các bên tại Afghanistan phải nỗ lực thỏa hiệp vượt qua bế tắc, nếu không nước này sẽ tiếp tục chìm vào bất ổn. Dù vậy, nếu hai đối thủ chính trị ở Afghanistan không chấp nhận bắt tay cũng như phớt lờ cảnh báo của Washiongton, tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn đầu tại quốc gia Nam Á này vẫn có nguy cơ đi “chệch hướng”.