Mối lo an ninh

Tình hình an ninh tại Afghanistan và tiến trình rút quân của Mỹ là nội dung thảo luận nổi bật trong cuộc gặp tại Thủ đô Washington D.C giữa các nhà lãnh đạo hai nước, lần đầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Mỹ trấn an đồng minh bằng cam kết tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an ninh, song lo ngại chưa được giải tỏa khi bạo lực vẫn gia tăng tại quốc gia Nam Á.

Biếm họa của PATRICK CHAPPATTE
Biếm họa của PATRICK CHAPPATTE

Không khó nhận thấy trọng tâm cuộc thảo luận tại Nhà trắng vào ngày mai (25-6), giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah, xoay quanh vấn đề an ninh tại quốc gia Nam Á trong bối cảnh Lầu năm góc ráo riết triển khai kế hoạch rút quân. Hôm đầu tuần, Nhà trắng thông báo, trong cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước, Tổng thống Biden tìm cách xoa dịu lo ngại bằng cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân và Chính phủ Afghanistan, cả về ngoại giao, kinh tế và viện trợ nhân đạo. Mỹ nhắc lại cam kết bảo đảm an ninh, loại bỏ nguy cơ Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của các nhóm khủng bố. 

Mối lo an ninh của Afghanistan có cơ sở thực tế, khi đụng độ giữa các lực lượng của Kabul và phiến quân Taliban vẫn gia tăng trong bối cảnh quân đội Mỹ ráo riết triển khai kế hoạch rời đi, với hạn chót Tổng thống Biden đặt ra là rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Nam Á trước ngày 11-9 tới, nhằm chấm dứt cuộc can dự quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử Mỹ. Vào thời điểm Tổng thống Biden công bố kế hoạch rút quân hồi tháng 4, lực lượng Mỹ tại Afghanistan có khoảng 2.500 binh sĩ và 16.000 nhà thầu. Đến nay, Mỹ thông báo đã chuyển giao một số căn cứ quan trọng cho lực lượng an ninh sở tại và tổ chức nhiều chuyến bay vận tải đưa trang thiết bị quân sự khỏi Afghanistan.

Kế hoạch rút quân nhằm thực thi cam kết của Mỹ theo thỏa thuận đã ký với Taliban hồi tháng 2-2020, theo đó Mỹ rút toàn bộ lực lượng đổi lại Taliban ngừng tiến công, khởi động đối thoại với chính quyền Kabul và bảo đảm loại bỏ các nhóm khủng bố ẩn náu tại Afghanistan. Tuy nhiên, đáng lo ngại là bạo lực không hạ nhiệt, trái lại còn tăng đột biến khi Mỹ đẩy nhanh tốc độ rút quân. Giao tranh xảy ra trên khắp Afghanistan, Taliban mở rộng ảnh hưởng, hiện chiếm hơn 50 trong tổng số 370 quận, huyện trên cả nước.

Trong khi đó, tiến trình đối thoại quốc gia Afghanistan vẫn bế tắc. Cuộc đàm phán giữa chính quyền Kabul với Taliban đổ vỡ hồi tháng 4. Hôm 9-6, các nhà đàm phán gặp nhau tại Doha (Qatar) nhằm nối lại đối thoại, tuy nhiên đến nay hai bên vẫn chưa chốt được các chủ đề chính trong chương trình nghị sự cũng như lộ trình đàm phán. 

Trong tuyên bố hôm 22-6, ba ngày trước thềm cuộc gặp cấp cao Mỹ - Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên tại Afghanistan nhanh chóng khôi phục đàm phán nghiêm túc nhằm xác định lộ trình chính trị cho đất nước; tiếp tục thúc giục chấm dứt tình trạng bạo lực mà theo Washington phần lớn do Taliban gây ra. Mỹ nhắc lại niềm tin rằng, đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban là cách thức duy nhất để chấm dứt xung đột, đem lại hòa bình, ổn định cho người dân quốc gia Nam Á. 

Trước đó, người phát ngôn Lầu năm góc cảnh báo, quân đội Mỹ có thể giảm tốc độ rút quân, trong bối cảnh Taliban gia tăng tiến công nhằm mở rộng thế lực. Mỹ tiếp tục ủng hộ các lực lượng Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố, đối phó Taliban. Song, tiến trình rút quân đang tiến gần vạch đích và mức độ hỗ trợ cũng giảm dần.

Tại cuộc họp ngày 22-6, Hội đồng Bảo an LHQ nêu quan ngại về tình trạng khủng hoảng an ninh và nhân đạo ở Afghanistan, nhất là bạo lực nhằm dân thường gia tăng. Các nước kêu gọi các bên ở Afghanistan khôi phục đối thoại và sớm đạt kết quả thực chất trong đàm phán, lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp bảo đảm an ninh cho nước sở tại trong tiến trình rời đi.