Mối đe dọa thịnh vượng chung

Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào vòng xoáy khó khăn mới, khi xung đột ở Ukraine xảy ra giữa lúc thế giới vẫn đang vật lộn chống chọi đại dịch Covid-19. IMF chỉ rõ: Mối đe dọa với thịnh vượng chung và tương lai của hợp tác quốc tế không thể coi nhẹ.

Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, cuộc xung đột tại Ukraine trở thành mối đe dọa mới đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà thế giới còn phải giải quyết hậu quả của dịch Covid-19. Lãnh đạo IMF nêu rõ: Khi một cuộc xung đột ở châu Âu có thể gây nạn đói ở châu Phi, khi đại dịch lan rộng trên khắp thế giới chỉ sau ít ngày bùng phát và kéo dài nhiều năm, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại một địa điểm có thể khiến nước biển dâng ở khắp nơi, thì mối đe dọa với sự thịnh vượng tập thể và tương lai hợp tác quốc tế là không thể coi nhẹ.

Lãnh đạo IMF nhận định, lạm phát cũng đang nổi lên là mối đe dọa lớn, có thể gây ra khủng hoảng lương thực, nhất là tại châu Phi và gây bất ổn tại các quốc gia có thu nhập trung bình. Một hiện tượng đáng lo ngại nữa là nguy cơ ngày càng rõ rệt về sự chia sẻ nền kinh tế toàn cầu thành các khối chính trị. 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố tại Hội nghị mùa xuân, với lý do tác động nặng nề của xung đột tại Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong cả hai năm 2022 và 2023. Mức này thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so dự báo được IMF đưa ra hồi đầu năm nay. Giới chuyên gia cao cấp của IMF nhận định rằng, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với kinh tế toàn cầu ngày càng nghiêm trọng.

Trong đó, các nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng chậm hơn, do xung đột đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát và tình trạng này kéo dài hơn dự kiến. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm kinh tế châu Âu. Chỉ số lạm phát tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài, tình trạng có thể còn xấu hơn nếu cân bằng cung cầu không được bảo đảm.

IMF cũng cảnh báo, nợ của các quốc gia có thể kìm hãm tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Báo cáo chỉ rõ, gánh nặng nợ khiến tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm 0,9%, các thị trường mới nổi giảm 1,3% trong ba năm tới. Khi đại dịch bùng phát hơn hai năm trước, chính phủ tại nhiều nước đã triển khai các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chương trình đã dẫn đến mức nợ cao hơn trong một số lĩnh vực, nhất là những ngành bị đại dịch tàn phá nhiều nhất như du lịch.

Chia sẻ nhận định về các mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của thế giới năm nay còn 3,2%. Do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao vì gián đoạn nguồn cung liên quan căng thẳng Nga-Ukraine, tăng trưởng của cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều giảm, nhiều nhất là tại châu Âu và khu vực Trung Á. Chủ tịch WB David Malpass cho biết, khối lượng nợ và lạm phát tăng cao là hai vấn đề chính mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt. Trong đó, các nước nghèo chịu tác động nặng nhất, khi có tới 60% số các nước có thu nhập thấp đang đối mặt tình trạng nợ và rủi ro kinh tế cao.

Nhằm hỗ trợ các nền kinh tế, WB đề xuất lập một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD để giúp các quốc gia nghèo nhất vốn cùng lúc phải chống chọi nhiều cuộc khủng hoảng. WB đặt mục tiêu huy động được khoảng 50 tỷ USD trong ba tháng tới. Ban điều hành IMF cũng đã thông qua quyết định lập Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững (RST), với mục tiêu sớm huy động được ít nhất 45 tỷ USD. Nhiệm vụ của công cụ mới này là hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình ứng phó thách thức dài hạn, như biến đổi khí hậu và đại dịch.