Kết nối vì thịnh vượng

Mỹ vừa chính thức công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (Indo-Pacific Economic Framework-IPEF), với mục tiêu mở rộng thương mại với các đối tác và tăng cường kết nối kinh tế vì thịnh vượng chung. Lễ khởi động thảo luận IPEF được tổ chức hôm 23/5, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tại Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: ICA NEWS
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: ICA NEWS

Trong tuyên bố giới thiệu khuôn khổ mới về sự tham gia hoạt động kinh tế của Mỹ ở khu vực, Nhà trắng nêu rõ: Mỹ là một cường quốc kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc mở rộng vai trò kinh tế của Mỹ ở khu vực mang lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng như cho người dân ở khu vực này. Nhằm giải quyết thách thức chung, tăng cường kết nối và bảo đảm khả năng cạnh tranh kinh tế lành mạnh, IPEF tập trung vào bốn trụ cột chính, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; phục hồi chuỗi cung ứng; phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; chống tham nhũng. Mục tiêu là thiết lập quy tắc thương mại mới và nền kinh tế kỹ thuật số, hợp tác về chuỗi cung ứng, cam kết chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn rửa tiền và hối lộ.

Trong đó, trụ cột thương mại theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, gồm cả tiêu chuẩn về luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết các vấn đề quan ngại liên quan quyền riêng tư trên internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sai mục đích. IPEF cũng hướng đến các cam kết đầu tiên về chuỗi cung ứng nhằm dự đoán và ngăn chặn sự gián đoạn các chuỗi cung ứng. Về năng lượng, IPEF thúc đẩy hợp tác về công nghệ và huy động vốn, gồm cả tài trợ ưu đãi, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ kỹ thuật. 

Tham gia thảo luận về IPEF có 13 nước, gồm các thành viên Bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia), Hàn Quốc, New Zealand và bảy nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, khuôn khổ kết nối kinh tế sẽ mở cho các nước muốn tham gia trong tương lai nếu đáp ứng mục tiêu và sẵn sàng hợp tác để đạt mục tiêu. Tuyên bố được đưa ra sau lễ khởi động thảo luận IPEF nêu rõ: Các thành viên sẽ thảo luận cách thức để đạt các mục tiêu, đồng thời có thể mời các đối tác khác cùng tham gia.

IPEF là bước đầu tiên triển khai mục tiêu kinh tế trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ công bố hồi tháng 2 vừa qua. Ý tưởng về khuôn khổ hợp tác kinh tế mới ở khu vực đã được Tổng thống Joe Biden đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 10/2021, với tham vọng thúc đẩy hợp tác, kết nối rộng khắp, trong cả những lĩnh vực kinh tế mới nổi và phi truyền thống. Ra đời trong bối cảnh Mỹ được cho là đang “bỏ trống” lĩnh vực hợp tác kinh tế với khu vực sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017, IPEF được xem như công cụ địa kinh tế hữu hiệu để Washington khôi phục và gia tăng ảnh hưởng, phù hợp chiến lược toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố IPEF không đi theo hướng truyền thống là tạo ra khuôn khổ một hiệp định đa phương, mà là tập hợp các thỏa thuận với các đối tác và các quốc gia có thể lựa chọn những điều khoản phù hợp để tham gia.

Tại lễ khởi động thảo luận IPEF, các nước tham gia đều nhấn mạnh ủng hộ tầm nhìn về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mở, bao trùm, công bằng, dựa trên luật lệ, kết nối, tự cường, an ninh và thịnh vượng, trong đó vai trò trung tâm của ASEAN được đề cao. Các nước kỳ vọng khuôn khổ hợp tác mới sẽ giúp các nền kinh tế khu vực tăng cường tính chống chịu, nâng cao sức cạnh tranh, thích ứng và bền vững, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.