Hành động khẩn cấp vì an ninh lương thực

Hội nghị về an ninh lương thực toàn cầu do Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tổ chức ngày 19/5 vừa qua đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã nhóm họp để thảo luận về các biện pháp ứng phó những thách thức toàn cầu hiện nay, trong đó có khủng hoảng lương thực.

Biếm họa: ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa: ARCADIO ESQUIVEL

Theo Reuters, tại hội nghị của HĐBA LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) Qu Dongyu đã nêu bật những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ Guterres bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 18 triệu người, trong khi xung đột và bất ổn tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia khiến cuộc sống của người dân thêm khốn khó. Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine khiến tình hình thêm ảm đạm. 

Về phần mình, Giám đốc WFP David Beasley cho rằng, thế giới đang rơi vào vòng xoáy của xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, làm gia tăng đói nghèo. Bất ổn ở Mali, CH Chad, Malawi và Burkina Faso, biểu tình bạo loạn ở Sri Lanka, xung đột ở Ethiopia và Afghanistan, nạn đói và hạn hán ở châu Phi, cháy rừng ở nhiều nơi trên thế giới là những thí dụ cụ thể về tình trạng bất ổn hiện nay. 

Thực tế trên đã dẫn tới giá lương thực tăng cao trong năm 2022 và việc bảo đảm nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm 2023. Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nhận định, an ninh lương thực, y tế và thu nhập toàn cầu đang giảm trong khi bất bình đẳng tăng. Ông cũng cho rằng, xung đột hiện là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu.

Để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ Guterres đề xuất một số bước mà các nước có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và đói kém, trước mắt là các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới và xây dựng nền hòa bình bền vững. Ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tiếp cận nhân đạo và hàng hóa thiết yếu cho người dân, theo đó phải chú trọng tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và truy cứu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm luật. Tiếp đó, cần có sự phối hợp để giảm thiểu những nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính.

Nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế, các Bộ trưởng Thương mại của Nhóm G7 đã nhóm họp để thảo luận về các vấn đề nổi cộm hiện nay như khủng hoảng lương thực, tái thiết Ukraine, biến đổi khí hậu, chính sách bình đẳng giới, các biện pháp vượt qua đại dịch Covid-19 cũng như chính sách phát triển chung. AP cho hay, kết thúc hội nghị ngày 19/5, các Bộ trưởng Thương mại G7 đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Sáng kiến thành lập liên minh này do Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Svenja Schulze cùng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đề xuất.

Trong thông báo sau hội nghị, các Bộ trưởng Thương mại G7 cho rằng, ngày càng có nhiều người bị đe dọa do tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái, mất đa dạng sinh học, suy giảm kinh tế và nghèo đói, phân biệt đối xử, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, mất an ninh năng lượng, bất bình đẳng giới và bạo lực. G7 nhận thấy những điều này gây ra thách thức lớn cho thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang hoặc kém phát triển, những nhóm người dễ bị tổn thương. Do đó, G7 sẽ tiếp tục giải quyết các nhu cầu nhân đạo trên toàn cầu. 

G7 cam kết tuân thủ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế, không bỏ sót ai lại phía sau; tái khẳng định các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tương ứng cũng như cam kết đảo ngược xu hướng giảm ODA cho các nước kém phát triển nhất, hướng tới mục tiêu hỗ trợ ODA tốt hơn.