Gỡ nút thắt

Cả Điện Kremlin và Nhà trắng đều xác nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau lần đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6 tới. Cuộc hội đàm cấp cao trực tiếp sẽ đề cập một loạt vấn đề cấp bách và được kỳ vọng giúp hai bên gỡ nút thắt gây căng thẳng, nhằm tái thiết quan hệ Nga - Mỹ theo hướng cân bằng, ổn định hơn.

Biếm họa của LIU RUI
Biếm họa của LIU RUI

Trong thông báo chính thức về cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Điện Kremlin nêu rõ, tại cuộc hội đàm sắp tới, Tổng thống Putin và Tổng thống Biden sẽ thảo luận thực trạng và triển vọng phát triển của quan hệ Nga - Mỹ, về ổn định chiến lược cũng như các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có sự tương tác trong cuộc chiến chống Covid-19 và giải quyết các cuộc xung đột khu vực. Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, hai bên ưu tiên thảo luận vấn đề an ninh mạng và ổn định hạt nhân chiến lược, vốn là các lĩnh vực tác động tới cả thế giới.

Thông báo từ Nhà trắng nhấn mạnh, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ Mỹ và Nga kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận toàn bộ các vấn đề cấp thiết, với mục tiêu khôi phục sự ổn định và có thể dự báo trong quan hệ Mỹ - Nga. Người phát ngôn Nhà trắng nêu rõ, Tổng thống Biden sẽ tận dụng khoảng thời gian ngoại giao trực tiếp để đề cập các vấn đề quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác mà hai nước có thể cùng làm việc.

Kế hoạch về hội nghị cấp cao Nga - Mỹ được ấn định sau một loạt động thái ngoại giao mang tính “phá băng” trong quan hệ hai bên, vốn căng thẳng kéo dài và nghiêm trọng thời gian dài vừa qua. Kế thừa hồ sơ quan hệ Mỹ - Nga với nhiều khúc mắc từ người tiền nhiệm, Tổng thống Biden từng tuyên bố thúc đẩy đối thoại, giải quyết bất đồng với Nga. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước vẫn chưa có bước đột phá nào, trái lại căng thẳng lại gia tăng vài tháng gần đây. Washington tiếp tục cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử, đứng sau vụ tiến công mạng cơ sở hạ tầng của Mỹ. Kremlin chỉ trích Nhà trắng can thiệp công việc nội bộ khi lên tiếng về lình xình liên quan nhân vật đối lập tại Nga. Hai bên liên tiếp tung các đòn trừng phạt và đáp trả, trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Trước nguy cơ quan hệ hai nước xuống thấp, thậm chí tới mức thời Chiến tranh lạnh, những tín hiệu đầu tiên được cả hai bên phát đi tỏ rõ mong muốn đảo ngược xu hướng tiêu cực. Tiếp sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống hồi tháng 4, cuộc hội đàm trực tiếp lần đầu giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik (Iceland) hồi tuần trước, được xem là bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao sắp tới. Phía Nga đánh giá cuộc gặp tại Reykjavik mang tính xây dựng, mở đường để chấm dứt “bầu không khí thiếu lành mạnh” giữa hai nước. Phía Mỹ cũng nhận định đây là cuộc thảo luận hiệu quả và trung thực, dù chưa tạo đột phá cụ thể. Moscow tuyên bố sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề, miễn là trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng. Washington khẳng định mục tiêu khôi phục tính ổn định và khả năng tiên liệu về quan hệ hai nước.

Trong một động thái trên thực tế được cho là giúp tạo không khí thuận lợi cho đối thoại Nga - Mỹ, Nhà trắng thông báo từ bỏ một phần lệnh trừng phạt nhằm dự án hợp tác Nga - Đức là Dòng chảy phương Bắc 2. Khẳng định quan điểm không thể lay chuyển là phản đối đường ống khí đốt nêu trên, song Nhà trắng tạm miễn trừ trừng phạt với nhà điều hành dự án thuộc sở hữu châu Âu và là công ty con của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Còn những khúc mắc tích tụ giữa Nga và Mỹ cần giải quyết, song thiện chí tái thiết quan hệ song phương và nỗ lực hướng tới mục tiêu ổn định, cùng có lợi đã đưa hai nước tới cơ hội đối thoại. Cuộc gặp giữa hai Tổng thống tới đây được kỳ vọng gỡ nút thắt bấy lâu nay cản trở đối thoại và hợp tác giữa Nga và Mỹ.