Giải bài toán khó

Không lâu sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề chia sẻ công bằng về vaccine đã được dư luận dấy lên, được nhiều tổ chức quốc tế thúc đẩy. Tiếp tục được nhắc lại trong các cuộc thảo luận tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, song bài toán khó này vẫn cần thêm nhiều nỗ lực mới mong có được lời giải.

Biếm họa của RODRIGO DE MATOS
Biếm họa của RODRIGO DE MATOS

Tại Hội nghị cấp cao về ứng phó đại dịch Covid-19, sự kiện do Mỹ tổ chức bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước, nâng tổng số vaccine Mỹ viện trợ lên 1,1 tỷ liều thông qua chương trình COVAX, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp liên minh vaccine GAVI điều hành. Mỹ còn cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông Biden cũng tuyên bố khởi động “quan hệ đối tác về vaccine” giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), nhằm phối hợp hướng tới kiểm soát đại dịch.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, đến cuối năm nay Trung Quốc sẽ hoàn tất cung cấp cho thế giới hai tỷ liều vaccine. Thủ tướng Italia Mario Draghi công bố kế hoạch Italia cung cấp 45 triệu liều, gấp ba lần mức cam kết trước đó. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng thông báo bổ sung 30 triệu liều, nâng khả năng viện trợ của Nhật Bản lên 45 triệu liều vaccine trong năm nay. 

Những con số và kế hoạch vừa được các nước đưa ra là nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy công bằng trong tiếp cận công cụ chống dịch đến nay vẫn được đánh giá là hiệu quả cao nhất.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi thế giới tăng sản lượng vaccine, giúp chương trình COVAX có đủ 2,3 tỷ liều để phân phối cho các nước, nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2021 có khoảng 40% dân số thế giới được tiêm chủng. 

Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực chia sẻ và cả các cam kết mới, thì nhiều ý kiến vẫn cảnh báo rằng hành động tập thể vẫn chưa đầy đủ, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, nhiều quốc gia vẫn bị hạn chế trong tiếp cận nguồn vaccine. Sự bất bình đẳng thể hiện rõ trong các con số thống kê. Có tới 60% số người thuộc diện tiêm chủng tại các nước Tây Âu đã được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ này tại các nước châu Phi chỉ là 3,6%. Trong tổng số vaccine được sản xuất trên thế giới, ước tính các nước giàu sở hữu hơn một nửa, các nước có thu nhập thấp chỉ được tiếp cận quanh mức 0,4%.

Nhiều nhà lãnh đạo dự Hội nghị tiếp tục nhắc lại cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc về vaccine”, đi ngược tinh thần đoàn kết quốc tế trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt là tình trạng một số quốc gia giàu có tích trữ vaccine phục vụ mục tiêu tiêm phòng tăng cường cho người dân, trong khi còn rất nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo còn chưa được tiêm mũi vaccine nào. 

Tổng thống Colombia Ivan Duque chỉ rõ, khoảng cách giữa các nước về kết quả tiêm phòng Covid-19 là rất lớn, phần nào cho thấy thất bại của nỗ lực đa phương trong việc đưa ra phản ứng công bằng và phối hợp lẫn nhau trong thời điểm khó khăn. 

Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho rằng, phân phối thiếu công bằng “chiến thắng thần tốc” về phát triển vaccine ngừa Covid-19 đang bị lu mờ, bởi tinh thần hợp tác chiếm ưu thế trong khoa học, nhưng lại không xuất hiện trong nỗ lực chính trị hiện nay.

Ủng hộ mục tiêu của LHQ đến tháng 9/2022, có khoảng 70% dân số thế giới sẽ được tiêm phòng, các nước tham gia Hội nghị nhất trí thúc đẩy hành động chung nhằm tăng nguồn cung vaccine, tăng năng lực xét nghiệm, điều trị và cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch tương tự trong tương lai. Để giải bài toán khó về vaccine, WHO nhắc lại lời kêu gọi chia sẻ, các nước giàu tạm ngừng tiêm phòng tăng cường, để nhường vaccine phục vụ tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở các nước đang phát triển.