Gập ghềnh chặng đường hậu Brexit

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal mới đây tuyên bố, Paris có thể “đáp trả” nếu London không thực hiện các thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu - EU) về quyền đánh bắt cá. Tranh chấp giữa Anh và Pháp cho thấy dù thỏa thuận thương mại hậu Brexit đã được các bên thông qua song việc thực thi không phải là điều dễ dàng.

Biếm họa của TOM JANSSEN
Biếm họa của TOM JANSSEN

Căng thẳng ngoài khơi đảo Jersey ở eo biển Manche bùng phát ngày 5-5 vừa qua, sau khi Pháp thông báo sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Jersey - nơi thuộc về Anh nhưng về mặt địa lý gần với bờ biển Pháp hơn. London phản ứng bằng cách triển khai các tàu tuần tra tới các khu vực, khiến Paris cũng có động thái tương tự. Bình luận trên kênh truyền hình France-3, ông Attal tuyên bố: “Chúng tôi muốn các thỏa thuận được tôn trọng. Nếu chúng không được thực hiện, các biện pháp trả đũa có thể sẽ được đưa ra”.

Trước đó, quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây trở ngại lớn trong tiến trình đàm phán thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1-1-2021. Mặc dù Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa EU và Anh (TCA) thời kỳ hậu Brexit vào ngày 28-4 vừa qua, song Paris vẫn cáo buộc London ngăn cản hơn 60 tàu của ngư dân Pháp hoạt động trong vùng biển của Anh. 

Trước sự kiện Brexit, các tàu đánh cá của Pháp vẫn được đánh bắt tại vùng biển giàu hải sản nói trên. Tuy nhiên, sau khi Anh chính thức rời EU, chính quyền địa phương ở Jersey đã công bố những quy định mới về cấp phép đánh bắt cá trong khu vực. Ngư dân Pháp đã lên tiếng phản đối, cho rằng quy trình mới với nhiều thủ tục sẽ cản trở họ tiếp cận vùng biển này. Cuối tháng 4, hàng trăm ngư dân Pháp cũng đã chặn các xe tải chở cá tới các khu chế biến tại cảng Boulogne-sur-Mer để phản đối sự cản trở đối với hoạt động đánh bắt cá của họ tại vùng biển của Anh, liên quan những khó khăn trong quy trình cấp phép của giới chức Anh. Ngày 3-5, Chính phủ Pháp ra tuyên bố chỉ trích việc Anh ban hành quy định mới về cấp phép hoạt động đánh bắt cá mà không thông báo tới Ủy ban châu Âu (EC) như quy định trong thỏa thuận Brexit, nên các quy định mới như trên không có hiệu lực. 

Với việc phê chuẩn TCA, EU và Vương quốc Anh đã định hình mối quan hệ thương mại sau thời gian nhiều sóng gió. Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ câu chuyện về quyền đánh bắt cá mà cả vấn đề liên quan vùng lãnh thổ Bắc Ireland cũng đang gây căng thẳng giữa giới chức Anh và EU.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, EU tuyên bố sẽ tiếp tục có hành động pháp lý đối với Anh về hành động đơn phương của nước này tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland. Sau ngày 1-1-2021, riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và CH Ireland (một thành viên của EU). Anh và EU đã ký Nghị định thư Bắc Ireland, theo đó EU cử nhân viên hải quan tới các cảng giữa vùng Bắc Ireland và phần còn lại của lục địa Anh. Hai bên cũng thống nhất miễn kiểm tra hải quan với các thực phẩm và nông sản từ Anh vào Bắc Ireland trong ba tháng đầu năm 2021, để các doanh nghiệp Bắc Ireland có thời gian chuẩn bị thích nghi với các quy định mới. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, Anh đã đơn phương gia hạn miễn kiểm tra hải quan với những thực phẩm tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland, động thái mà EU cho là vi phạm các điều khoản của “thỏa thuận rút lui” Brexit và Nghị định thư Bắc Ireland.

Giới quan sát cho rằng, những tranh chấp như quyền đánh bắt cá ở Jersey hay vấn đề Bắc Ireland hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng nếu hai bên có thiện chí hợp tác. Còn nếu cứ để “chuyện bé xé ra to” thì chắc chắn cả Anh và giới chức EU đều sẽ gặp khó trong việc thực thi TCA.