Động lực suy yếu

Trong báo cáo mới nhất, LHQ nêu rõ, động lực tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ vừa có được trong năm vừa qua đã bắt đầu suy yếu. Một phần nguyên nhân là các biện pháp tiền tệ giảm dần, trong khi sự đứt gãy chuỗi cung ứng lại nổi lên. Nguy cơ lạm phát ngày càng cao tạo áp lực lớn đối với tiến trình phục hồi toàn cầu.

Biếm họa: MAHNAZ YAZDANI
Biếm họa: MAHNAZ YAZDANI

Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới năm 2022, được LHQ công bố tuần trước, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay chỉ là 4%, thấp hơn so mức 5,5% của năm 2021; đến năm 2023 tiếp tục xuống thấp, còn 3,5%. Cùng nhận định với LHQ, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống rõ rệt trong năm nay, chỉ đạt 4,1%; năm 2023 thậm chí xuống 3,2%. Dự báo mới nhất thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so mức WB đưa ra hồi tháng 6/2021. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được cho là cũng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong báo cáo được công bố đầu tuần tới.

Các mức dự báo thiếu lạc quan được đưa ra trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 do biến chủng Omicron lan rộng, trong khi thách thức ngày càng nghiêm trọng về thị trường lao động, chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát tăng cao. LHQ nhận định, đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại từ cuối năm ngoái, có thể thấy rõ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, hay Liên minh châu Âu (EU). Động lực tăng trưởng suy yếu do các biện pháp kích thích tài chính, tiền tệ giảm dần, tình trạng chuỗi cung ứng đứt gãy gia tăng. Còn theo WB, việc các nước thu hẹp chương trình hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn gây nhiều rủi ro sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại rõ rệt trong năm nay.

Báo cáo của LHQ chỉ rõ, đại dịch diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và một số nước đang phát triển đe dọa đảo chiều tiến trình phục hồi toàn cầu. Năm 2021, lạm phát trên phạm vi toàn cầu lên tới 5,2%, cao hơn 2 điểm phần trăm so mức trung bình trong 10 năm gần đây. WB cũng cảnh báo, cùng sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2, tình trạng lạm phát kéo dài và các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng, lực lượng lao động sẽ cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của WB, lạm phát đã được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ năm 2008 tại các nền kinh tế phát triển và kể từ năm 2011 ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. 

Trước áp lực của dịch bệnh và nguy cơ lạm phát tăng cao, LHQ cảnh báo tình trạng bất bình đẳng giữa các nước sẽ gia tăng. Chia sẻ quan ngại của LHQ, WB mô tả khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như “hẻm núi đang mở rộng”, khiến bất ổn xã hội gia tăng. Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: Các nước đang phát triển phải đương đầu nhiều vấn đề nghiêm trọng, cùng thực tế tỷ lệ tiêm chủng thấp và gánh nặng nợ công là áp lực phải kiềm chế lạm phát, vốn ảnh hưởng trực tiếp người có thu nhập thấp. 

Báo cáo của WB chỉ rõ: Tình trạng nghèo đói trên thế giới gia tăng do đại dịch, dự kiến thêm 100 triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2022. WB cũng cho biết, đại dịch đã khiến tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất 50 năm qua, điều này đòi hỏi các nước giàu nỗ lực biến thiện chí thành hành động đẩy nhanh tái cơ cấu nợ cho các nước gặp khó khăn. WB nhắc lại đề nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) xóa nợ cho các nước nghèo.

Theo WB, để lấy lại động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ưu tiên trước mắt của thế giới vẫn là bảo đảm triển khai vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi và công bằng nhằm kiểm soát đại dịch. Trong giai đoạn tới, khi nợ toàn cầu tăng cao, điều cần thiết là hợp tác quốc tế giúp đưa kinh tế thế giới sớm trở lại lộ trình tăng trưởng.