“Đòn bẩy” bình ổn tài chính

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi chính phủ các nước sớm lên kế hoạch tài chính bảo đảm ngân sách bền vững hơn, giành được lòng tin của các nhà đầu tư, sau một thời gian áp dụng các gói kích thích tài chính khổng lồ nhằm ứng phó đại dịch Covid-19. IMF khuyến cáo các kế hoạch tài chính cần mềm dẻo giúp bình ổn kinh tế và tránh tình trạng cắt giảm các đầu tư công quan trọng.

Biếm họa: INGRAM PINN
Biếm họa: INGRAM PINN

Trong báo cáo Giám sát tài chính vừa công bố, IMF nêu rõ mỗi nước cần xác định thời gian biểu và tốc độ củng cố tài chính phù hợp hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Các kế hoạch tài chính cần tính đến thực tế dịch bệnh, bất ổn tài chính hiện nay, nguy cơ kinh tế, sức ép dân số già, nhu cầu phát triển. Theo đó, các cam kết ổn định tài chính dựa trên những nền tảng tài chính trung hạn đáng tin cậy sẽ giúp các thể chế tài chính, nước cho vay tin tưởng rằng những nước đi vay có thể trả nợ nhanh hơn. 

IMF khuyến cáo các nước nên cam kết với những mục tiêu tài chính rộng, nhấn mạnh đến các chính sách thuế và chi tiêu công trong 3 - 5 năm tới, cùng với những chính sách đặc biệt như tăng thuế hoặc nâng tuổi được hưởng lương hưu. Những quy định tài chính như giữ thâm hụt ngân sách thấp hoặc các hội đồng tài chính đặc biệt thuộc chính phủ, cũng có thể góp phần tăng độ tin cậy. 

Trên thực tế, một số quốc gia đã và đang nỗ lực bảo đảm các “đòn bẩy” tài chính cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế trước khi IMF đưa ra kêu gọi nêu trên. Nhằm quản lý ngân sách “nghiêm túc và có trách nhiệm”, đồng thời luôn nỗ lực giữ cho tình hình tài chính công trong tầm kiểm soát, Chính phủ Pháp bảo vệ quyết định cắt giảm thuế và tăng chi tiêu ngân sách ở mức cao kỷ lục trong đại dịch. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire dự báo, sau khi được “bơm” thêm 70 tỷ euro vào cuối năm nay, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6% trong cả năm 2021. 

Để cải thiện tình hình tài chính công, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cho khu vực tư nhân thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhằm huy động 81 tỷ USD. Theo đó, các công ty tư nhân ở Ấn Độ có thể thuê dài hạn hơn 26.000 km đường bộ, đường dây tải điện, các cơ sở thủy điện và điện mặt trời, mạng điện thoại và gần 15.000 tháp viễn thông. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng cho khu vực tư nhân thuê khoảng 8.000 km đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, 15 nhà ga, tuyến đường sắt, 25 sân bay và một số sân vận động. Kế hoạch nêu trên giúp Ấn Độ có thể tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. 

Trong khi đó, tại Anh, để bảo đảm tài chính công, chính phủ mới đây công bố tăng thuế để hỗ trợ các lĩnh vực chăm sóc y tế và xã hội. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, các thị trường tài chính - vốn đã phục hồi trong thời gian gần đây nhờ lãi suất toàn cầu thấp và gói kích thích kinh tế lớn trong đại dịch, có thể sẽ được điều chỉnh lớn. Trước đó, do cú sốc Covid-19, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất và tiến hành mua tài sản để hỗ trợ hoạt động kinh tế và ngăn chặn việc thắt chặt những điều kiện tài chính đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới chuẩn bị cho bình ổn kinh tế hậu đại dịch. Tuy nhiên, các thách thức và rủi ro kinh tế phía trước vẫn rất lớn. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% trước đó, do đà phục hồi bị ảnh hưởng vì phân phối vaccine ngừa Covid-19 không công bằng và những lo ngại lạm phát trong bối cảnh đại dịch. Bên cạnh đó, IMF ước tính nợ công thế giới đã tăng lên mức gần 100% GDP toàn cầu, chủ yếu vì các biện pháp tài chính đối phó cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Vì vậy, nhiều nước đang phát triển có rất ít khả năng vay nợ mới với các điều kiện thuận lợi.

IMF dự báo đà phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước và khu vực. Hầu hết các nước đang phát triển và mới nổi sẽ cần nhiều năm hơn để phục hồi. Trong khi Italia nói riêng và châu Âu nói chung đang chứng tỏ xung lực ngày càng mạnh, thì tăng trưởng ở nhiều nơi khác đang “ngày một tệ hơn”. Trong bối cảnh nêu trên, các kế hoạch tài chính mềm dẻo giúp bình ổn kinh tế là quan trọng và cần thiết với mọi quốc gia.