Đối thoại thay đối đầu

Sau những cuộc đàm phán an ninh bế tắc do còn tồn tại nhiều bất đồng, cả phương Tây và Nga đều mong muốn có thêm những lần đối thoại khác nhằm hóa giải khúc mắc, hướng tới sự hợp tác lâu dài dựa trên các thỏa hiệp làm hài lòng hai bên. 

Biếm họa: LI FENG
Biếm họa: LI FENG

AP ngày 19/11 cho hay, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức hồi tuần trước ở Brussels (Bỉ).

Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Thủ đô Berlin, Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết, ông đã mời đại diện của Nga và 30 nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo. Ông Stoltenberg khẳng định khối quân sự này sẵn sàng đưa ra đề xuất bằng văn bản và nỗ lực hướng tới những kết quả mang tính xây dựng tại Hội đồng Nga - NATO. Theo ông, điều này có thể liên quan tới việc giảm rủi ro từ các hoạt động quân sự, tăng cường sự minh bạch và cải thiện các kênh đối thoại. Người đứng đầu NATO cho biết, khối liên minh quân sự này sẵn sàng lắng nghe những yêu cầu của Nga, song sẽ không thỏa hiệp về những nguyên tắc cơ bản, trong đó có việc bảo vệ các đồng minh. 

Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh cần giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại. Ông Scholz nêu rõ, NATO không muốn căng thẳng kéo dài với Điện Kremlin mà hy vọng vào mối quan hệ ổn định với Moscow. Thủ tướng Đức kêu gọi Nga giảm leo thang liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo trước những hậu quả về chính trị, kinh tế và tài chính, trong đó có khả năng trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nếu khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức cũng bác bỏ kế hoạch chuyển giao vũ khí cho Ukraine theo đề nghị của Kiev. 

Tại cuộc họp đầu tiên hồi tuần trước của Hội đồng Nga - NATO trong khoảng hai năm rưỡi qua, hai bên đã trao đổi quan điểm về cuộc xung đột Ukraine và một số chủ đề nóng khác. Nga và NATO cũng nhất trí đặt lộ trình cho cuộc gặp tiếp theo. Hiện, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đang ở thăm Moscow để vận động nối lại các cuộc đàm phán định dạng nhóm Bộ tứ Normandy (Đức, Pháp, Ukraine và Nga) để giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Trước đó, ngày 17/1, Đại sứ Pháp tại Nga Pierre Levy cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thảo luận với Nga về các đề xuất bảo đảm an ninh. Phát biểu ý kiến trước báo giới, Đại sứ Levy cho biết, trong cuộc họp không chính thức tại Pháp vào tuần trước, các Bộ trưởng Ngoại giao châu Âu đã nhất trí những điểm chính trong lập trường chung của EU về các đề xuất an ninh của Nga. Trong đó, nội dung rõ ràng nhất là EU sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề này với Nga với sự tôn trọng các giá trị và chủ quyền của nước này.

Phát biểu trên cho thấy một dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa Nga với phương Tây sau thời gian thường xuyên căng thẳng liên quan tình hình Ukraine. Trước đó, Nga đã đưa ra các đề xuất bảo đảm an ninh cho châu Âu, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với NATO về những đề xuất an ninh nhằm ngăn liên minh quân sự này mở rộng hoạt động về phía đông và triển khai vũ khí gần biên giới Nga.

Theo đánh giá của báo Financial Times (Anh), trong cuộc “chạm trán” lần này giữa Nga và phương Tây, Moscow đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt cứng rắn vào nền kinh tế của nước này tốt hơn so EU, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga. Báo trên chỉ ra rằng, Bộ Tài chính LB Nga đã đưa ra một số kịch bản liên quan việc phương Tây áp đặt các gói trừng phạt khác nhau nhằm vào Moscow. Bộ trưởng Tài chính LB Nga Anton Siluanov nhắc lại rằng, các thể chế tài chính Nga sẽ đương đầu “trong trường hợp xuất hiện các rủi ro như vậy”. 

Cũng theo Financial Times, trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã bớt phụ thuộc đồng USD, các nhà đầu tư nước ngoài và các khoản vay nước ngoài, trong khi dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng đáng kể, quy mô nợ nước ngoài chỉ bằng 20% GDP của Nga và chỉ số này tiếp tục được lên kế hoạch để giảm. Tờ báo của Anh và các chuyên gia được phỏng vấn trong bài viết đã đưa ra kết luận rằng chiến lược của Nga cho phép nước này bớt lo ngại trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và mối đe dọa từ các biện pháp răn đe này kém hiệu quả. 

Dù đã thực hiện một số giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu và khí đốt, song đến nay EU vẫn phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp năng lượng từ Nga. Do đó, EU sẽ khó áp đặt các biện pháp nhằm vào nền kinh tế Nga bởi đã lường trước những hậu quả theo chiều ngược lại. Thực tế này cho thấy các bên sẽ tiếp tục lựa chọn giải pháp đối thoại thay đối đầu nhằm phòng tránh những nguy cơ tổn hại lợi ích.