Cuộc “thoát ly” đắt giá

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm mọi cách thoát khỏi sự lệ thuộc nguồn năng lượng từ Nga, dù cho cái giá phải trả sẽ gây nhiều tốn kém cho “lục địa già”. Những hệ lụy từ cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giới chức EU nhận ra rằng, đã tới lúc họ cần “kế hoạch B” để bảo đảm an ninh năng lượng của mình.

Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Financial Times đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/5 thông báo lên kế hoạch chi 195 tỷ euro xây dựng chiến lược dừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga vào năm 2027. Kế hoạch này kết hợp hai trụ cột, gồm đẩy nhanh triển khai sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; đẩy nhanh tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế Nga.

Theo dự thảo kế hoạch, EC đề xuất nhiều luật, các kế hoạch không ràng buộc và những đề xuất cho các chính phủ các nước thành viên, trong đó có cả việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn phục hồi giai đoạn hậu Covid-19 của EU để phục vụ chuyển đổi sử dụng năng lượng. Với giá trị 195 tỷ euro, đây là khoản đầu tư lớn nhất trong gói ngân sách dự chi cho việc thực hiện mục tiêu khí hậu của khối vào năm 2030, trong đó có thể giúp giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Để thúc đẩy kế hoạch này, EU đang cân nhắc đề xuất các mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Các mục tiêu được thảo luận bao gồm nâng mức đóng góp của năng lượng tái tạo lên 45% vào năm 2030, cao hơn mức 40% hiện nay và cắt giảm 13% năng lượng tiêu thụ trên toàn EU vào năm 2030. Bên cạnh đó, kế hoạch trên còn có một số đề xuất điều chỉnh luật EU để đẩy nhanh việc cấp phép một số dự án năng lượng tái tạo và các cơ chế mới để đẩy mạnh triển khai năng lượng mặt trời trên diện rộng, cũng như tái thiết ngành sản xuất năng lượng mặt trời ở châu Âu.

EU cũng đề ra các kế hoạch sản xuất 10 triệu tấn năng lượng hydrogen có thể tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu 10 triệu tấn năng lượng này dựa trên quy định mới về phân loại năng lượng hydrogen. EC còn đánh giá tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nước ngoài Nga gồm Ai Cập, Israel và Nigeria, cộng với cơ sở vật chất cần thiết để thay thế nhập khẩu từ Nga.

EC thông báo kế hoạch chuyển đổi nguồn cung năng lượng trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo, lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine tới EU đã giảm khoảng một phần ba sau khi Kiev đóng một tuyến đường ống. Trước đó, công ty vận hành đường ống Ukraine (GTSOU) thông báo dừng vận chuyển khí đốt qua trạm trung chuyển Sokhranivka từ ngày 11/5. Đây là tuyến trung chuyển khí đốt quan trọng từ Nga sang châu Âu. Tuyến đường ống này vẫn được duy trì kể cả sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua. 

Những thông tin trên càng làm dấy lên lo ngại giá khí đốt vốn đã cao tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung giảm. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) từng cảnh báo, xung đột tại Ukraine có thể gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Việc EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ thúc đẩy quá trình định hướng lại dòng chảy thương mại và buộc Nga giảm sản lượng. 

Tuy nhiên, hiện EU vẫn chưa đạt được đồng thuận trong khối về một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu từ Nga, do một số thành viên vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc nguồn cung năng lượng của Moscow như Hungary và Bulgaria. Phó Thủ tướng Bulgaria, Assen Vassilev cho biết, Bulgaria sẽ chặn các lệnh trừng phạt Nga, đồng thời cảnh báo không ủng hộ gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga trừ khi nước này được miễn trừ khỏi biện pháp cấm mua dầu của Moscow.

Thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn năng lượng Nga chưa bao giờ là việc dễ dàng với EU, bởi Moscow là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Do đó, cuộc “thoát ly năng lượng” tới đây của EU dù có đắt giá, song vẫn được xem là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai của “lục địa già” trước những biến động địa-chính trị tiềm ẩn.