Cục diện mới trên chính trường Pháp

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã đem đến cục diện chưa có tiền lệ trong hơn 60 năm qua trên chính trường Pháp, khi không đảng hay liên đảng nào giành thế đa số tuyệt đối. Tương quan lực lượng mới được dự báo sẽ gây khó cho Tổng thống và Chính phủ trong việc thông qua và thực thi các kế hoạch trong nhiệm kỳ tới.

Biếm họa: PETE KREINER
Biếm họa: PETE KREINER

Cuộc bầu cử lập pháp năm 2022 của Pháp cho kết quả bất ngờ, với nhiều điều chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua trên chính trường nước này: Liên minh các đảng ủng hộ Tổng thống mất thế đa số tuyệt đối, trong khi liên minh cánh tả lần đầu trở thành lực lượng đối lập lớn nhất và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) lại có thêm bước đột phá.

Với 246 ghế, liên minh Ensemble (Chung sức) ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron đã không hội đủ đa số ghế tại Quốc hội gồm 577 đại biểu. Kết quả này thấp hơn nhiều so con số 346 ghế liên minh có được trong Quốc hội mãn nhiệm và cách xa mục tiêu “đa số vững chắc” mà ông Macron đặt ra trước bầu cử. Kết quả này cũng phá vỡ “thông lệ” tại Pháp, khi cử tri thường dồn phiếu cho phe ủng hộ Tổng thống đắc cử nhằm tạo thế đa số tại Quốc hội, giúp chính phủ mới thuận lợi trong công việc điều hành và thực thi các chính sách, kế hoạch trong nhiệm kỳ. 

Đây cũng là lần đầu kể từ năm 2002, khi hệ thống chính trị Pháp áp dụng nhiệm kỳ 5 năm với cả hai nhánh lập pháp và hành pháp, lực lượng của nguyên thủ quốc gia không giành được đa số tuyệt đối tại cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức ngay sau bầu cử tổng thống. Điểm mới của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay là Thủ tướng và 15 bộ trưởng trong chính phủ mới được Tổng thống Macron bổ nhiệm cũng tham gia tranh cử. Tuy nhiên, ba bộ trưởng đã không trúng cử và sẽ phải tự động từ chức. Bản thân Thủ tướng Elisabeth Borne cũng chịu sức ép lớn sau bầu cử.

Một kết quả bất ngờ và tạo cục diện mới trên chính trường Pháp là thắng lợi lớn của phe cánh tả. Liên minh Sinh thái và Xã hội nhân dân mới (NUPES) giành 142 ghế (so 60 ghế trong Quốc hội mãn nhiệm). Chưa hội đủ đa số và đưa lãnh đạo liên minh Jean-Luc Melenchon trở thành Thủ tướng, song kết quả này đã giúp các đảng cánh tả Pháp trở thành khối chính trị lớn thứ hai trong Quốc hội và là lực lượng đối lập lớn nhất. Là thành viên NUPES, đảng Châu Âu Sinh thái-Xanh (EELV) có 28 ghế, đủ để được phép lập nhóm nghị sĩ độc lập nhằm đề cao “tiếng nói xanh”, thúc đẩy các vấn đề về môi trường, sinh thái...

Giành 89 ghế, đảng RN của bà Marine Le Pen đã có “bước tiến ngoạn mục” sau thất bại của nhà lãnh đạo cực hữu này trước ông Macron tại vòng hai bầu cử tổng thống trước đó. Đây được xem là sự hiện diện mạnh mẽ chưa từng có của RN trên mặt trận lập pháp. Tiền thân của RN là đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), từng có kết quả tốt nhất là 35 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1986, song chỉ giành tám ghế trong cuộc bầu cử năm 2017. Trong khi đó, khối cánh hữu chỉ giành 73 ghế, giảm gần một nửa so 136 ghế tại Quốc hội vừa mãn nhiệm. Đây được xem là thất bại nặng nề của khối cánh hữu, bởi chẳng những không đạt mục tiêu giành ít nhất 100 ghế tại Quốc hội khóa mới, mà còn để mất vị thế là lực lượng đối lập lớn nhất trên chính trường. 

Cục diện mới của Quốc hội Pháp được cảnh báo sẽ gây khó khăn cho ông Macron trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Trước mắt, phe đa số tương đối sẽ phải đàm phán với các nhóm đối lập nhằm tạo thuận lợi cho Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, nhất là triển khai hàng loạt dự án cải cách của Tổng thống về hưu trí, y tế, an ninh, chống biến đổi khí hậu... Thủ tướng Borne nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm việc ngay lập tức để tạo dựng đa số hành động. Không có giải pháp thay thế cho tập hợp đoàn kết, nếu muốn duy trì ổn định đất nước”.