Cơ hội tái định hình Trung Đông?

Sự kiện Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel mới đây được nhiều ý kiến đánh giá là bước đột phá lớn nhất trong quan hệ giữa Israel với khối Arab trong 26 năm qua, tính từ thời điểm nước này ký hiệp định hòa bình với Jordan năm 1994. Tuy nhiên, các thỏa thuận này liệu có tạo ra cục diện hòa dịu mới ở khu vực Trung Đông hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Biếm họa của SIMON NSAKA
Biếm họa của SIMON NSAKA

Lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với UAE, Bahrain được tổ chức trong khuôn viên Nhà trắng, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đóng vai trò trung gian thúc đẩy hai nước Arab bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Hai thỏa thuận trên mở đường cho UAE và Bahrain thúc đẩy hợp tác với Israel về kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng. Hai thỏa thuận vừa ký gia tăng số lượng các nước Arab có quan hệ chính thức với Nhà nước Do Thái lên bốn quốc gia, gồm Ai Cập (ký năm 1979), Jordan (1994), UAE và Bahrain.

Cả hai thỏa thuận hòa bình nói trên đều là những thành tựu từ vai trò trung gian hòa giải của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, là kết quả của chiến lược dài lâu của Thủ tướng Israel B.Netanyahu về chủ động giao lưu với các nước Arab đang ngày càng có chung lợi ích và mối quan tâm với Israel, từng bước phá vỡ tình trạng Nhà nước Do Thái bị cô lập tại khu vực trong hàng chục năm qua.

Theo nhận định của giới phân tích, sự kiện UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel phản ánh tác động từ những điều chỉnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Sau làn sóng “Mùa xuân Arab”, các nước Arab đều có nhu cầu tiến hành cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách đối ngoại để duy trì ổn định chính trị - xã hội trong nước. Do giá dầu sụt giảm và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu cải cách kinh tế càng cấp thiết hơn. Do đó, cộng đồng Arab vùng Vịnh ưu tiên giải quyết những vấn đề mà khối này đang đối mặt, hơn là quan tâm các vấn đề vĩ mô của thế giới Arab. 

Bên cạnh đó, một động cơ khác thôi thúc UAE và Bahrain đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel bắt nguồn từ vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Iran ở Trung Đông. UAE nhận thấy rằng chỉ có liên minh với Israel mới tạo ra đủ sức mạnh để đối trọng với Iran, khi Mỹ ngày càng giảm can dự trực tiếp tại khu vực. Thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, một đồng minh chiến lược của Mỹ, sẽ giúp UAE và Bahrain có được sự ủng hộ hơn nữa của Washington trong cạnh tranh ảnh hưởng với Iran, bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang siết chặt “vòng kim cô” trừng phạt Tehran. Vì thế, cả UAE và Bahrain đặt quyền lợi quốc gia lên trên vấn đề lịch sử quan hệ giữa thế giới Arab - Israel và vấn đề Palestine.

Về phía Mỹ, việc giữ vai trò trung gian thúc đẩy thành công bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Arab vùng Vịnh với Israel nằm trong nỗ lực thu hút lá phiếu cử tri của Tổng thống Trump, phục vụ cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Đây cũng được xem là động thái “đánh lạc hướng” dư luận Mỹ khỏi những chỉ trích chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực trạng kinh tế chưa mấy khả quan và sự quan tâm ngày càng tăng dành cho đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tới, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu hai thỏa thuận nói trên có gây dựng được sự đồng thuận của cả thế giới Arab, Hồi giáo hay không? Rào cản lớn nhất chính là Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 do Saudi Arabia đề xuất, thể hiện sự nhất trí chung của khối Arab về giải quyết xung đột Israel và Arab - Palestine. Sáng kiến này nêu quan điểm các nước Arab chỉ công nhận Israel sau khi thành lập Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới trước cuộc chiến Arab - Israel năm 1967. Hiện, Israel vẫn chưa trả lại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, nên UAE - Bahrain bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine chưa được giải quyết vô hình trung gây ra sự phản đối của một số bên như Palestine, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ... 

Việc một số quốc gia Arab đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel cho thấy xu hướng hòa giải trong khu vực đang tăng dần. Tuy nhiên, chỉ khi Mỹ và Israel đưa ra phương án giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề Palestine - Israel, thì cơ hội tái định hình khu vực Trung Đông theo hướng hòa bình mới có thể đạt được.