Chuyến công du “phá băng”

Sau nhiều tranh chấp về lãnh hải, không phận, cũng như chia rẽ sắc tộc trên đảo Cyprus, hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết hóa giải bất đồng. Chuyến thăm Hy Lạp của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá dấu hiệu giúp “phá băng” quan hệ song phương, tạo điều kiện để Ankara xích lại gần hơn với Liên hiệp châu Âu (EU).

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở Thủ đô Athens, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias nhấn mạnh hai bên đều nhận thức được những khác biệt và lập trường khác nhau trong một số vấn đề. Do vậy, cuộc gặp này chính là nỗ lực cho một quá trình đàm phán để từng bước bình thường hóa tình hình hiện nay.

Về phần mình, ông Cavusoglu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Hy Lạp và sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán với Athens mà không đi kèm điều kiện tiên quyết. Theo ông, hai nước đã có những bước đi cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, từ giao thông, năng lượng, môi trường đến du lịch và thương mại. 

Chuyến công du Hy Lạp của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh hai bên gần đây đã nhất trí nối lại đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh hải cũng như quyền khai thác khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải. Hai nước đã tiến hành đàm phán việc phân định ranh giới trên biển từ năm 2002, song tiến trình thương lượng đã bị đình trệ từ năm 2016 sau 60 vòng đàm phán. Đầu năm nay, hai bên đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong gần 5 năm qua. Dù chưa tạo được đột phá, song việc nhất trí sẽ nối lại đàm phán tại Athens được đánh giá là động thái tích cực giúp cải thiện quan hệ song phương.

Vấn đề lãnh hải ở đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay là mâu thuẫn lớn nhất ảnh hưởng quan hệ Ankara - Athens. Căng thẳng giữa hai nước thành viên NATO đã leo thang trong năm 2020 với nhiều hoạt động quân sự trên biển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis và điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp phía đông Địa Trung Hải vào tháng 8-2020, dẫn đến việc va chạm với tàu chiến của Hy Lạp.  NATO đã thiết lập một cơ chế giảm xung đột để tránh nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự đáng tiếc giữa các bên. 

Với tư cách nước Chủ tịch EU nửa cuối năm 2020, Đức đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số thành viên EU, trong đó có Pháp và Hy Lạp, kêu gọi các biện pháp mạnh hơn. Nhiều nước khác lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên đã được hóa giải khi EU dù gia hạn trừng phạt đến ngày 12-11-2021 với Thổ Nhĩ Kỳ, song đã thảo luận về việc mở rộng liên minh thuế quan và tạo điều kiện cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quyết tâm gia nhập EU và sẵn sàng đưa quan hệ với EU trở về quỹ đạo, đồng thời kỳ vọng liên minh này cũng thể hiện thiện chí tương tự. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, mục tiêu của Ankara là trở thành thành viên đầy đủ của EU và kêu gọi EU cần có những bước đi cụ thể nhằm ủng hộ một chương trình nghị sự tích cực.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng cách tiếp cận “theo từng giai đoạn, cân đối và có thể đảo ngược” nhằm tăng cường hợp tác với Ankara trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung. Điều kiện mà EU đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm leo thang căng thẳng, nhất là giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus, rút quân khỏi Libya và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các quy tắc, EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt, bao gồm đối với cả lĩnh vực du lịch. 

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 này. Trong bối cảnh nêu trên, việc quan hệ Ankara và Athens “tan băng” là tiền đề quan trọng để cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với EU.