Chưa thể đột phá

Cuộc đàm phán an ninh diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa hai cường quốc Nga, Mỹ đã kết thúc mà chưa tạo được bước đột phá như cộng đồng quốc tế mong đợi. Tuy nhiên, dù hai bên còn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong một loạt vấn đề, song việc Mỹ bày tỏ “coi trọng các đề xuất của Nga về bảo đảm an ninh khu vực”, cũng như hai bên ngồi lại đàm phán với nhau đã là dấu hiệu khởi sắc cho quan hệ song phương. 

Biếm họa: CHEN XIA
Biếm họa: CHEN XIA

Cuộc đối thoại an ninh Nga-Mỹ tại Geneva ngày 10/1 diễn ra trong khuôn khổ đối thoại ổn định chiến lược giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tiến hành các cuộc đối thoại này vào tháng 6/2021, coi đây là một diễn đàn để Washington và Moscow trực tiếp giải quyết các lo ngại về an ninh và giải pháp khả thi. Đây là cuộc đối thoại an ninh thứ ba, tiếp theo các cuộc họp vào tháng 7 và tháng 9/2021.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc hội đàm Nga-Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh, tiến trình đàm phán với Mỹ về chủ đề bảo đảm an ninh là rất khó khăn và nếu không có “đột phá và nhượng bộ” thì không thể vượt qua các vấn đề gai góc. 

Quan hệ giữa Nga với phương Tây thường xuyên căng thẳng liên quan tình hình Ukraine, nhưng gần đây các bên đã có một số động thái tích cực nhằm hóa giải các khác biệt. Nga đã đưa ra các đề xuất bảo đảm an ninh cho châu Âu, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về những đề xuất an ninh nhằm ngăn liên minh quân sự này mở rộng hoạt động về phía Đông và triển khai vũ khí gần biên giới Nga.

Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki cũng đánh giá các cuộc tham vấn Nga-Mỹ về vấn đề bảo đảm an ninh đã diễn ra chân thành và cởi mở. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhận định, Mỹ và Nga đã hiểu rõ hơn về các mối quan tâm và ưu tiên của nhau. Theo bà Sherman, nếu Nga thực hiện các bước cụ thể để giảm bớt căng thẳng, hai bên có thể đạt được tiến bộ. Bà Sherman cũng nhắc lại những hành động tiềm tàng mà Mỹ và các đồng minh sẵn sàng thực hiện liên quan tình hình Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính, kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các ngành công nghiệp, tăng cường thế trận của NATO trên lãnh thổ đồng minh và tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cũng cho biết, Washington đề xuất các ý tưởng mà hai nước có thể thực hiện “hành động có đi có lại” bảo đảm lợi ích chung về an ninh, bao gồm các cuộc thảo luận về quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận quân sự ở châu Âu. Mỹ tuyên bố sẵn sàng thảo luận về tương lai của một số hệ thống tên lửa ở châu Âu liên quan Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trước đây mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018. 

Ông Stephane Dujarrick, Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố, LHQ vẫn đang nghiên cứu kết quả của cuộc đàm phán an ninh tại Geneva giữa các đại diện của Nga và Mỹ, đồng thời hoan nghênh nỗ lực triển khai những cuộc thảo luận ở cấp cao như vậy, đặc biệt là giữa hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Đánh giá đối thoại an ninh Nga-Mỹ, GS Sven Biscop của Đại học Ghent (Bỉ), đồng thời là chuyên gia tại Trường cao đẳng Quốc phòng và An ninh châu Âu, nhận định cả Nga và Mỹ đều cần nhượng bộ trong các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược và an ninh ở châu Âu. Theo đó, đã đến lúc “phải đàm phán nhanh chóng” để đạt tiến triển trong các vấn đề vũ khí chiến lược Mỹ-Nga, quan hệ NATO-Nga và an ninh ở châu Âu.

Sau cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ngày 12/1 sẽ diễn ra cuộc họp giữa Nga với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu  (OSCE) ngày 13/1. Bà Sherman cho biết, Mỹ không định thảo luận với Nga về việc hạn chế số lượng thành viên của NATO vì đây luôn là một trong những nguyên tắc cơ bản của liên minh. Do vậy, Washington “không mong đợi những đột phá” trong các cuộc đàm phán giữa NATO, OSCE với Nga trong tuần này. Trong khi đó, Nga cũng nhận định rằng, các cuộc đàm phán với Mỹ về các chủ đề phức tạp như kiểm soát vũ khí “không thể hoàn thành trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần”. 

Thực tế nêu trên cho thấy, mối quan hệ Nga-Mỹ luôn phức tạp và việc đưa quan hệ song phương, nhất là quan hệ an ninh vào quỹ đạo hợp tác không thể thực hiện “một sớm một chiều”.