Cam kết hợp tác của BRICS

Tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 13, diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 9/9, các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi khẳng định lại cam kết hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế then chốt hiện nay, từ đó tăng cường vai trò của khối trong hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Hội nghị do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, với chủ đề “BRICS 15 năm: Hợp tác nội khối vì sự liên tục, gắn kết và đồng thuận”. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về cải cách hệ thống đa phương, chống khủng bố, sử dụng công cụ kỹ thuật số và công nghệ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và tăng cường giao lưu nhân dân. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về tác động của đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác hiện nay, trong đó có tình hình ở Afghanistan. 

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo ghi nhận rằng, việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đã đem lại hy vọng lớn nhất để chấm dứt đại dịch và việc tạo miễn dịch rộng trong cộng đồng là vì lợi ích chung toàn cầu. Tuyên bố New Delhi đưa ra sau hội nghị nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy rằng có tình trạng bất công rõ ràng trong việc tiếp cận vaccine, chẩn đoán và phương pháp trị liệu, đặc biệt là đối với người dân các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất thế giới. Vì vậy, chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm vaccine an toàn, hiệu quả, có thể tiếp cận và có thể chi trả”. 

Tuyên bố New Delhi cũng ghi nhận các cuộc thảo luận hiện nay tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 và áp dụng linh hoạt Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Y tế cộng đồng.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cơ quan quản lý trên khắp thế giới tiến hành đánh giá trên cơ sở khoa học và khách quan độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19. BRICS cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc tiếp tục nỗ lực ủng hộ các nước trên thế giới chống dịch thông qua việc tài trợ, viện trợ và sản xuất tại chỗ vaccine, cũng như tạo điều kiện cho xuất khẩu vaccine, thuốc trị liệu, phương pháp chẩn đoán và nhiều thiết bị cấp cứu khác. Hiện, các nước BRICS đã cung cấp 1 tỷ liều vaccine, bao gồm cả viện trợ và trợ cấp, cho các tổ chức quốc tế và cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX).

Bên cạnh chủ đề liên quan vaccine ngừa Covid-19, các nhà lãnh đạo BRICS cũng đề cập tình hình tại Afghanistan, kêu gọi kiềm chế bạo lực và giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình; nhấn mạnh ưu tiên chống khủng bố, ngăn chặn các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến công các nước khác.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu các đề xuất thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các nước thành viên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất tổ chức một diễn đàn về phát triển internet công nghiệp và sản xuất kỹ thuật số, một cuộc họp cấp cao BRICS về biến đổi khí hậu và một diễn đàn BRICS về dữ liệu lớn (big data) thúc đẩy phát triển bền vững. Ông cho biết, Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo BRICS về quản trị và diễn đàn BRICS về giao lưu nhân dân và văn hóa, đồng thời mở một khóa đào tạo trực tuyến cho các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông của 5 nước. 

Khối BRICS chiếm khoảng 41% dân số thế giới, 24% GDP toàn cầu và 16% thương mại của thế giới. Trong 15 năm qua, 5 nước đã tăng cường hợp tác chiến lược và thúc đẩy tin cậy chính trị trên tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng, tôn trọng hệ thống xã hội và con đường phát triển của nhau, đồng thời tìm ra cách thức hợp lý để các nước gắn kết với nhau. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: “BRICS đã đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm qua. Ngày nay, chúng ta là một tiếng nói có ảnh hưởng đối với các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Diễn đàn này cũng đóng vai trò hữu ích trong việc tập trung vào các ưu tiên của các quốc gia đang phát triển. Chúng ta phải bảo đảm rằng, BRICS hoạt động hiệu quả hơn trong 15 năm tới”.