Cái giá của sự chần chừ

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu đi tại các nước châu Âu, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng tại các nước này là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tâm lý do dự tiêm phòng tại một số quốc gia ở “lục địa già” là nguyên nhân khiến dịch lây lan sang các nước khác và khiến châu Âu phải đối mặt làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4.

Biếm họa: ENRICO BERTUCCIOLI
Biếm họa: ENRICO BERTUCCIOLI

Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho hay, tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 mới trong bảy ngày qua, với 1,93 triệu ca. Croatia, Czech, Estonia, Hungary, Bulgaria, Hy Lạp, Ba Lan, Hà Lan, Bỉ và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại”. Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Đức, Đan Mạch, Áo, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở khu vực Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát dịch trở lại tại các nước Trung, Đông và Bắc Âu là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tâm lý chần chừ khi đi tiêm phòng đã khiến dịch lây lan mạnh. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông rất sốc khi nghe tin những người bệnh đang từng giờ phải chiến đấu với virus SARS-CoV-2 vẫn chưa thừa nhận sự tồn tại của virus chết người này. Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh: “Ai giờ đây vẫn còn chần chừ tiêm phòng thì cần thêm những gì để thuyết phục các bạn? Những người không tiêm phòng đang đặt sức khỏe của mình cũng như cộng đồng vào tình thế nguy hiểm”.

Theo Tổng thống Steinmeier, người mắc Covid-19 chủ yếu là những người chưa tiêm phòng. Thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết, nếu tính theo dân số, cả nước Đức hiện có gần 27 triệu người chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm mũi thứ hai. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, cả nước Đức đang có hơn 3.200 bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc tích cực (khoảng 1.600 bệnh nhân phải thở máy), nhiều hơn cả số bệnh nhân trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Ngoài ra, lý do khác để đợt dịch lần này bùng phát mạnh chính là nhiệt độ đang giảm dần ở các quốc gia châu Âu, tạo môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Những nơi có hệ thống thông gió và sưởi ấm công cộng cũng là địa điểm “lý tưởng” cho sự lây nhiễm của virus. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine của người dân một số nước châu Âu, như tụ tập đông người và không đeo khẩu trang, cũng khiến dịch bùng phát trở lại. Thực tế cho thấy, nhiều người dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn mắc bệnh, dù không trở nặng song có thể lây cho người khác.

Tình hình lây nhiễm nghiêm trọng buộc nhiều quốc gia EU phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn. Tại Áo, nơi mà tỷ lệ mắc Covid-19 thuộc loại cao nhất châu Âu, Thủ tướng Áo A.Schallenberg đã thông báo về việc thực hiện phong tỏa đối với những người chưa được tiêm chủng kể từ ngày 15/11. Biện pháp này đi kèm với việc kiểm tra không báo trước ở quy mô chưa từng có, khi Chính phủ Áo khẳng định sẽ thiết lập thêm cảnh sát tuần tra.

Theo AFP, những người chưa được tiêm chủng cũng là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng dịch ở Latvia, nơi các đại biểu, quan chức dân cử địa phương… chưa tiêm chủng sẽ không thể tham gia các cuộc tranh luận, bỏ phiếu hoặc thậm chí nhận lương. Còn tại Hà Lan, nước này đã quyết định một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong vòng ba tuần. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 6 giờ chiều, trong khi các cửa hàng thiết yếu như siêu thị phải đóng cửa lúc 8 giờ tối. 

Trong khi đó, ở Đức, hiện nhiều bang đã ban hành “Quy tắc 2-G”, theo đó chỉ cho phép những người đã khỏi bệnh và đã tiêm đủ liều mới được tham gia một số sự kiện và đời sống xã hội. Tại Pháp, theo báo Le Point, sự bùng phát của dịch tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên, tất cả các khoa điều trị tại các bệnh viện của Pháp đều được chuyển sang cấp độ hai trong quy trình y tế và nước này quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh kể từ ngày 15/11.

Có thể thấy, các quốc gia EU đang gấp rút áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn đà lây lan của làn sóng dịch thứ 4. Dù vậy, nếu độ phủ sóng vaccine vẫn chưa tiếp cận toàn bộ người dân cũng như tâm lý do dự tiêm phòng chưa được xóa bỏ, thì hiệu quả của những biện pháp nói trên sẽ không như mong đợi.