Bước khởi đầu tích cực

Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã kết thúc sau hơn 3 giờ hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) với những kết quả “vượt ngoài mong đợi”, khi hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Cuộc gặp lần này được xem là bước khởi đầu mới nhằm cải thiện quan hệ hai nước vốn “đóng băng” trong thời gian qua.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Trải qua nhiều thăng trầm kể từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đến nay mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vẫn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Theo đánh giá của Văn phòng Tổng thống Nga, “quan hệ Nga - Mỹ đã bị suy giảm trong nhiều năm và hiện đang tụt dốc”. Nga hiện vẫn bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan nhiều vấn đề, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Ukraine, cáo buộc tiến công mạng hay can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020… Trong khi đó, kể từ khi tiếp quản Nhà trắng, ông Joe Biden cũng chưa có động thái nào cho thấy muốn “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thậm chí còn đưa ra một số biện pháp cứng rắn trong chính sách đối ngoại với Moscow.

Hiện trạng nêu trên khiến không mấy ý kiến kỳ vọng cuộc gặp cấp cao lần này sẽ cho “quả ngọt”. Tuy nhiên, kết thúc 3 giờ đối thoại, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã nhất trí về một số vấn đề vốn là những nhân tố chính làm lạnh nhạt quan hệ hai bên.

Tại cuộc gặp, vấn đề ổn định chiến lược đã được Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Biden đi tới thống nhất chung. Theo tuyên bố chung sau cuộc đối thoại, Nga và Mỹ sẽ sớm khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược, qua đó tạo ra nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Theo đó, Moscow và Washington nhất trí sẽ tiến hành tham vấn liên ngành do Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì về việc triển khai Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START). New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia vốn nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ngày 17-6, Người phát ngôn của Tổng thống Putin - ông Dmitry Peskov cho biết: “Tuyên bố chung về sự ổn định chiến lược đã nêu rõ trách nhiệm đặc biệt của hai quốc gia, không chỉ đối với người dân hai nước mà còn với toàn thế giới”.

Bên cạnh đó, về đối ngoại, hai bên nhất trí cử đại sứ của mình quay lại làm nhiệm vụ tại nước kia cũng như khởi động tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao. Việc các đại sứ trở lại là yếu tố quan trọng có thể giúp bình thường hóa hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước, vốn bị đình trệ thời gian gần đây sau khi Mỹ và Nga rơi vào vòng xoáy “trừng phạt - đáp trả” lẫn nhau, kể cả việc trục xuất các nhà ngoại giao của nhau hồi tháng 4 vừa qua. Một vấn đề khác được xem là khá nhạy cảm trong quan hệ Nga - Mỹ là an ninh mạng cũng bước đầu đạt được sự đồng thuận của hai nhà lãnh đạo. Theo đó, hai bên cũng sẽ tiến hành tham vấn cụ thể để khôi phục sự hợp tác về lĩnh vực này. 

Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Putin cho biết, hai bên đã có cuộc đối thoại “mang tính xây dựng, khá cởi mở và thẳng thắn”, trong đó hai bên không tìm cách gây áp lực cho nhau. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ với điều kiện Washington cũng trong tâm thế tương tự. 

Dù vẫn còn một số vấn đề đang mâu thuẫn và hai bên sẽ chưa thể khôi phục hoàn toàn quan hệ sau cuộc hội đàm ở Geneva, song những kết quả tích cực đạt được cho thấy cả Nga và Mỹ đều đang bày tỏ thiện chí sẵn sàng chia sẻ những thách thức chung, qua đó làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng và đối đầu ở các cấp độ. Việc hai bên nhất trí sẽ thiết lập các kênh đối thoại trong thời gian tới được xem là “chiếc chìa khóa” mở ra cánh cửa hợp tác mới sau một thời gian dài “đóng băng”, từ đó dần thiết lập lòng tin giữa hai bên.