Bài toán thích ứng

Năm 2021 tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn với ASEAN, khi những đợt dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế bấp bênh, trong khi tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược gia tăng. Trước thử thách, bài toán về thích ứng bối cảnh mới được các nhà lãnh đạo ASEAN ưu tiên thảo luận tại kỳ hội nghị quan trọng đang diễn ra trực tuyến.

Biếm họa: LUO JIE
Biếm họa: LUO JIE

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với Đối tác được tổ chức trong bối cảnh Hiệp hội đứng trước nhiều thách thức. Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí bùng lên với tốc độ lây lan cao tại một số nước. Việc tiếp cận và phân bổ vaccine vẫn khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu nâng khả năng miễn dịch cộng đồng. Thực tế này đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch bước đầu và làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế của các nước ASEAN.

Trên thế giới, nhiều điểm nóng an ninh vẫn căng thẳng, thách thức an ninh phi truyền thống lại nổi lên. Cọ xát chiến lược và cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng dưới nhiều hình thái mới, như các nhóm quốc gia hay thỏa thuận, ý tưởng mới về tập hợp lực lượng và dàn xếp an ninh được hình thành. Những nhân tố này tác động tới cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á, thử thách vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc, cơ chế hợp tác tại khu vực. 

Trong bối cảnh ấy, kỳ hội nghị cấp cao của ASEAN năm nay tập trung ba nội dung chính, cũng là ba thách thức lớn đang đặt ra cho Hiệp hội: Kiểm soát đại dịch song song thúc đẩy phục hồi bền vững; Củng cố và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các Đối tác; Ứng xử của ASEAN trước thách thức an ninh và chiến lược của khu vực.

Điều chỉnh để thích ứng, các nước ASEAN chia sẻ cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ và linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, hướng đến người dân và doanh nghiệp là trung tâm các nỗ lực, trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. ASEAN nhất trí giải pháp cấp bách là nỗ lực tiêm chủng toàn dân và tăng cường hệ thống y tế công cộng, nâng cao năng lực tự cường và hợp tác nhằm bảo đảm tiếp cận đầy đủ và đồng đều về vaccine, hướng tới hình thành “chuỗi vaccine” trong khu vực. ASEAN chú trọng khôi phục chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng an toàn với trạng thái “bình thường mới”. Tại Hội nghị, Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN đã được thông qua nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực.

ASEAN ngày càng nhận được sự quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác từ các đối tác trong và ngoài khu vực. Đây là lợi thế, song cũng đặt ra bài toán cân bằng trong quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, các nhà lãnh đạo ASEAN nhắc lại rằng, vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố then chốt, cần được củng cố và tôn trọng; đoàn kết nội khối cần được đề cao để duy trì tiếng nói thống nhất, phát huy vị thế của Hiệp hội. ASEAN cần định vị “chỗ đứng mới” trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ASEAN giữ vai trò hạt nhân trong các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. 

Khuyến khích các đối tác hỗ trợ, đóng góp thiết thực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, song ASEAN khẳng định, các thỏa thuận cần trên tinh thần thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực, đề cao và tôn trọng luật pháp quốc tế và vai trò của ASEAN thông qua các cấu trúc, cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Thích ứng bối cảnh mới, các nước thành viên đều cho rằng, mục tiêu quan trọng của ASEAN là củng cố đoàn kết, vốn là giá trị cốt lõi và sức mạnh của Hiệp hội. Tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các vấn đề tác động tới khu vực giúp ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, duy trì tinh thần tự chủ và cân bằng chiến lược, tránh bị động trước sức ép cạnh tranh nước lớn.