Bài toán khó của EU

Trong hai ngày 21 và 22/10 vừa qua, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tham dự Hội nghị cấp cao của khối tại Thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận những vấn đề quan trọng. Ngoài đại dịch Covid-19, hội nghị lần này dành nhiều thời lượng cho vấn đề đang “gây sốt” hiện nay, đó chính là sự thiếu hụt năng lượng.

Biếm họa: SHERIF ARAFA
Biếm họa: SHERIF ARAFA

Theo AFP, trong ngày 21/10, các nhà lãnh đạo EU đã nỗ lực thảo luận để có thể đạt được sự đồng thuận chung trong việc giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt, vấn đề đã phơi bày những bất đồng về mục tiêu chống biến đổi khí hậu của liên minh này và gây chia rẽ quan điểm về việc liệu cuộc khủng hoảng giá năng lượng có thể giúp cải cách những quy định trên thị trường năng lượng EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel cho biết, trong phiên làm việc đầu tiên, hội nghị đã thảo luận giải quyết tình trạng tăng giá năng lượng hiện nay, vốn đang thách thức sự phục hồi sau đại dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp. Dựa trên thông tin của Ủy ban châu Âu (EC), các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ xem xét những gì có thể làm được ở cấp độ quốc gia và quy mô toàn khối, cả về hỗ trợ ngắn hạn cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng như các biện pháp cho trung và dài hạn.

Trước thềm hội nghị, EC đã đưa ra một gói biện pháp được gọi là “hộp công cụ” mà chính phủ các nước có thể thực hiện, đồng thời cho biết, EU sẽ xem xét những giải pháp mang tính dài hạn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang xảy ra. Hiện, hầu hết các quốc gia đã lên kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng như cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho những hộ gia đình nghèo hơn. 

Chủ tịch EC, bà Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh: “Hiện nay, thuế và các khoản phụ thu chiếm tới một phần ba giá năng lượng. Tại một số quốc gia thành viên, thuế chiếm tới một nửa trong cơ cấu giá điện. Do đó, các quốc gia có thể lập tức giảm thuế điện để hỗ trợ người dân. Hiện, đã có 20 quốc gia thành viên làm như vậy”.

Trợ cấp và giảm thuế là hai biện pháp ngắn hạn để đối phó khẩn cấp tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn hơn lại gây bất đồng giữa các nước, liên quan việc EU cần hành động như thế nào để có thể tự bảo vệ nếu tình trạng giá năng lượng lại tiếp tục tăng vọt trong tương lai. 

Tháng 9 vừa qua, Tây Ban Nha đã đề xuất một loạt biện pháp như thiết lập hệ thống mua khí đốt chung mới giữa các nước EU nhằm tạo ra các nguồn dự trữ chiến lược, cải cách thị trường điện năng…, song chưa thuyết phục được lãnh đạo châu Âu đưa các giải pháp này vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này. Pháp, Hy Lạp, Italy, Czech và Romania ủng hộ quan điểm của Tây Ban Nha, nhưng Đức và EC lại cho rằng, phải tiếp cận vấn đề trung hạn và dài hạn theo cách khác. Bên cạnh đó, Ba Lan, Czech và Tây Ban Nha cũng đã yêu cầu EU hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường carbon, đồng thời đề nghị EU điều tra nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao ở châu Âu. EC đã nhất trí xem xét cả hai vấn đề nhưng không cam kết có thực hiện lập tức. 

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Giá khí đốt tăng đã đang đẩy giá điện lên cao, khiến nguy cơ xảy ra “mùa đông không năng lượng” trên toàn châu Âu. Theo Euronews, có tới 90% lượng khí đốt mà châu Âu cần tới lúc này vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, EC lập luận rằng, việc tăng dự trữ chiến lược như Tây Ban Nha đề xuất không phải là giải pháp hữu hiệu, bởi về lâu dài, EU sẽ vẫn lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ bên ngoài và cuộc khủng hoảng năng lượng lại diễn ra mỗi khi mùa đông tới. 

Tại hội nghị, lãnh đạo EC đề nghị thúc đẩy giải pháp căn cơ hơn, đó là  giảm dần lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, qua đó vừa tự chủ bài toán năng lượng. Dù vậy, bất đồng giữa các thành viên EU về những giải pháp trung và dài hạn đối với vấn đề năng lượng đang tạo ra những rào cản trong quá trình thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu chung của liên minh.