Áp lực đàm phán

Sau nhiều tháng trì hoãn, vòng đàm phán mới giữa Iran và các cường quốc khai mạc hôm nay (29/11) tại Vienna (Áo), nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nhiều vấn đề còn bất đồng, nhất là khúc mắc giữa Iran với Mỹ, tiếp tục đặt áp lực lớn với các cuộc đối thoại. 

Nguồn: CGTN
Nguồn: CGTN

Đây là vòng đàm phán thứ bảy trong tiến trình đối thoại tại Vienna, theo hình thức trực tiếp giữa Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA (gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) và gián tiếp giữa Iran với Mỹ. Vòng đàm phán này bị hoãn tổ chức từ hồi tháng 6, do Iran tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Vì thế, các bên đều đặt kỳ vọng lớn, có thể tìm được giải pháp “hồi sinh” bản thỏa thuận lịch sử.

Kể từ khi có ban lãnh đạo mới sau bầu cử, Iran luôn khẳng định “sẵn sàng đạt được một thỏa thuận hữu ích”, với nguyên tắc quan trọng hàng đầu là tất cả các bên trở lại thực hiện cam kết theo JCPOA. Tuy nhiên, Iran nhấn mạnh, đàm phán không tập trung vào vấn đề hạt nhân, vì vấn đề này đã được nhất trí đầy đủ trong bản thỏa thuận Iran đã ký với Nhóm P5+1 năm 2015 . Điều cần được thảo luận là hậu quả của việc Mỹ rút khỏi JCPOA từ năm 2018 và cách thức Mỹ trở lại tuân thủ cam kết. 

Bởi thế, theo Tehran, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran là yếu tố quyết định bầu không khí đối thoại, cũng như kết quả các cuộc đàm phán tại Vienna tuần này. Phát biểu ý kiến trước thềm đàm phán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ, cơ hội khôi phục JCPOA là không có, nếu thỏa thuận mới không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể, như khôi phục hoạt động thương mại của Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian lưu ý rằng, Mỹ và các nước châu Âu tham gia JCPOA nên có cách tiếp cận thực tế, mang tính xây dựng, tránh đòi hỏi quá mức, vượt khuôn khổ thỏa thuận năm 2015. Iran nhắc lại cam kết sẽ khôi phục tuân thủ đầy đủ cam kết nếu Mỹ có hành động tương tự.

Cùng chia sẻ mục tiêu khôi phục JCPOA, Trung Quốc và Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết đưa tất cả các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận đã ký kết. Trong cuộc điện đàm tuần trước, các Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nga và Mỹ khẳng định quan điểm thống nhất đạt mục tiêu nêu trên thông qua điều chỉnh các biện pháp tiếp cận thích hợp. Nga và Trung Quốc khẳng định ủng hộ việc “hồi sinh” JCPOA theo đúng định dạng thỏa thuận ban đầu. 

Tuy nhiên, Mỹ và ba nước châu Âu tham gia JCPOA giữ quan điểm cứng rắn nhắm tới chương trình hạt nhân của Iran, cáo buộc Tehran “leo thang hạt nhân”, gây rủi ro nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế. Lo ngại của Mỹ và châu Âu được dấy lên sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo mới nhất, cho biết Iran đã tăng mạnh lượng urani được làm giàu ở mức cao. Theo IAEA, đến đầu tháng 11 vừa qua, kho urani của Iran đã đạt 2.489 kg, vượt cam kết theo JCPOA, trong đó urani làm giàu ở các mức 20% và 60% đều tăng mạnh. 

Trong tuyên bố chung ngày 24/11 vừa qua, Anh, Pháp và Đức cho rằng, Iran đã đủ nguyên liệu để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Tuyên bố nêu rõ, các hoạt động làm giàu urani vượt mức cho phép trong hơn hai năm qua cho thấy Iran vẫn phát triển hạt nhân có hệ thống, nâng cấp năng lực hạt nhân của mình tới mức “vĩnh viễn và không thể đảo ngược”. Mỹ cũng cáo buộc các hoạt động hạt nhân của Iran đang tiệm cận “ngưỡng không thể quay lại” để có thể khôi phục JCPOA. Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran cảnh báo, chính việc tăng cường dự trữ urani làm giàu đã tạo ra nguy cơ Iran không thể đạt được bất cứ lợi ích nào từ việc khôi phục JCPOA.

Những bất đồng và cáo buộc lẫn nhau giữa Iran và Mỹ là áp lực lớn nhất đối với các cuộc đàm phán. Khúc mắc giữa Iran với IAEA, liên quan việc khôi phục quyền tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế với các cơ sở hạt nhân ở Iran, cũng tạo thêm khó khăn cho các cuộc thảo luận tại Vienna trong tuần này.