An ninh châu Âu trước cục diện mới

Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến Phần Lan và Thụy Điển buộc phải nhìn nhận và đánh giá lại chính sách quốc phòng của mình. Gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để nương nhờ “chiếc ô an ninh” của khối quân sự này vì thế đang thành lựa chọn hàng đầu của hai quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Phần Lan Marin (phải) và người đồng cấp Thụy Điển Andersson tại Stockholm. Ảnh: RFERL
Thủ tướng Phần Lan Marin (phải) và người đồng cấp Thụy Điển Andersson tại Stockholm. Ảnh: RFERL

Trong Sách trắng cập nhật chính sách đối ngoại và an ninh được công bố ngày 13/4 vừa qua, Chính phủ Phần Lan nêu rõ, việc trở thành thành viên NATO sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng của Phần Lan thêm từ 1 đến 1,5%. Trước đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ đưa ra quyết định về việc đệ đơn gia nhập NATO trong vài tuần tới. Trong khi đó, Chính phủ Thụy Điển cũng đã ra tuyên bố cho hay, nước này đặt mục tiêu gia nhập liên minh quân sự ngay trong cuộc họp cấp cao của NATO, dự kiến diễn ra trong hai tháng nữa. 

Phần Lan và Thụy Điển là các đối tác gần gũi của NATO nhưng trước đây chưa từng thể hiện ý định gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này. Phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo chung gần đây với người đồng cấp Thụy Điển ở Stockholm, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, việc lựa chọn có tham gia NATO hay không cần được đánh giá, phân tích và xem xét một cách kỹ lưỡng. Dù không đề cập thời điểm cụ thể, song bà Marin cho biết Phần Lan sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng, trong vài tuần tới.

Dù Phần Lan tỏ ra thận trọng đối với vấn đề gia nhập NATO, song cần thừa nhận thực tế rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang thay đổi cục diện an ninh tại châu Âu, khiến Phần Lan phải xem lại chính sách an ninh của mình. Dù việc trở thành thành viên NATO sẽ tiêu tốn thêm một khoản ngân sách nữa, song không đáng kể nếu so tổng ngân sách chi tiêu dành cho quốc phòng của nước này.

Bên cạnh đó, lâu nay, cả Phần Lan và Thụy Điển đều đủ điều kiện gia nhập NATO, do cả hai nước Bắc Âu đều là các nhà nước pháp quyền, được tổ chức tốt, kinh tế phát triển, có công nghiệp quốc phòng hiện đại, nên việc gia nhập NATO không hề có bất cứ cản trở nào về hạ tầng kỹ thuật cũng như về pháp lý. Ngân sách quốc phòng của hai nước này cũng đủ lớn, tương đồng với các nước thành viên NATO hiện nay.

Bởi thế, dù giữ chính sách trung lập song nếu nhìn cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay, không thể nói Phần Lan và Thụy Điển luôn trong “vùng an toàn”. Trên thực tế, nếu bị tiến công, NATO không thể “đường đường chính chính” điều quân tới hỗ trợ do hai nước này không phải thành viên của khối. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tuyên bố rằng: “Thụy Điển và Phần Lan là những đối tác thân thiết, an ninh của họ quan trọng đối với chúng tôi, nhưng NATO chỉ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho các nước thành viên NATO mà thôi”.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, ông Antti Kaikkonen cho biết: “Tình hình quân sự ở các khu vực lân cận của Phần Lan hiện đang yên ổn. Chúng ta không phải đối mặt mối đe dọa quân sự ngay lập tức, nhưng trong tương lai, cần chuẩn bị trước nguy cơ một nước khác sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực quân sự chống lại hoặc tạo áp lực chính trị lên Phần Lan”.

Cùng quan điểm với Phần Lan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đánh giá việc gia nhập NATO sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định, nhưng nhấn mạnh lợi ích của việc được hưởng khả năng phòng thủ chung khi là một thành viên của khối quân sự này.

Tuy vậy, việc trở thành thành viên NATO cũng đem tới rủi ro nhất định đối với Phần Lan và Thụy Điển, do sẽ không nhận được sự đồng tình của Nga. Việc Phần Lan gia nhập NATO, nếu thành hiện thực, sẽ mở rộng sườn phía bắc của NATO và gia tăng mối đe dọa an ninh với Moscow. Phần Lan có vị trí địa lý cực kỳ nhạy cảm, gồm hơn 1.300 km biên giới trên bộ tiếp giáp với nước Nga. Nếu Phần Lan gia nhập NATO, nước Nga “có thêm” 1.300 km đường biên nữa tiếp giáp với khối NATO và điều này chắc chắn bị Moscow phản đối. Về phần Thụy Điển, dù không tiếp giáp biên giới với Nga song việc quốc gia Bắc Âu này “nối giáo” cho NATO cũng là điều Nga khó chấp nhận.

Cuộc chiến tại Ukraine đang làm thay đổi cơ bản bối cảnh an ninh tại châu Âu. Vị thế của Phần Lan và Thụy Điển trở nên mong manh hơn so các nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) đang là thành viên NATO. Đó là động lực để hai quốc gia Bắc Âu này phải đánh giá lại chính sách quốc phòng của mình nhằm tránh thế bị động trong tương lai.