Xu hướng tái chế bã cà-phê tại Hàn Quốc

Theo The Korea Economic Daily, hoạt động tiêu thụ cà-phê ở Hàn Quốc năm 2019 tạo ra hơn 149 nghìn tấn bã cà-phê, phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp tại quốc gia này đang nỗ lực tái chế bã cà-phê thành nhiều sản phẩm hữu ích.

Các tình nguyện viên dùng phân ủ cà-phê ở một trang trại. Ảnh: THE KOREA ECONOMIC DAILY
Các tình nguyện viên dùng phân ủ cà-phê ở một trang trại. Ảnh: THE KOREA ECONOMIC DAILY

Theo trang thống kê Statista, những năm gần đây, cà-phê đã trở thành một trong những đồ uống được ưa chuộng nhất ở nước này. Thông thường, một cốc cà-phê americano có thể tạo ra 14 gr bã. Trong quá trình sản xuất, chỉ 0,2% của hạt cà-phê được dùng để chiết xuất cà-phê, 99,8% còn lại sẽ trở thành rác thải.

Tuy nhiên, bã cà-phê thực chất là một nguồn tài nguyên quý giá do không chứa bất kỳ tạp chất nào như kim loại nặng, đồng thời có mùi hương dễ chịu và độc đáo. Thế nhưng, Hàn Quốc gần như không có hệ thống tái chế dành riêng cho bã cà-phê nên chúng thường được bỏ đi như một loại rác. 

Bên cạnh lãng phí tài nguyên, bã cà-phê bị vứt bỏ còn có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, loại chất thải này khi phân hủy sẽ giải phóng khí methan - một trong các khí gây hiệu ứng nhà kính phổ biến nhất và đóng góp vào quá trình nóng lên toàn cầu gấp tới 86 lần so khí CO2. Trước thực trạng này, các công ty tư nhân như Hyundai Steel và Starbucks đã có nhiều giải pháp sáng tạo để tránh lãng phí bã cà-phê.

Công ty Starbucks tại Hàn Quốc hiện tham gia chế tạo phân bón tự nhiên bằng cách thu gom bã cà-phê đã qua sử dụng từ các cửa hàng của hãng ở nước này. Khi đất và bã cà-phê được trộn theo tỷ lệ 9:1, hợp chất này sẽ trở thành một loại phân bón tự nhiên giàu hàm lượng hữu cơ và có tác dụng phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. 

Năm 2015, nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương và tái chế tài nguyên, Starbucks đã hợp tác với tỉnh Gyeonggi để chế tạo phân bón thân thiện môi trường từ bã cà-phê và cung cấp cho các trang trại địa phương. Người đại diện của Starbucks cho biết: “Năm 2020, chúng tôi đã cung cấp khoảng 180 nghìn bao phân bón với giá trị 633.439 USD cho nhiều nông trại trên toàn quốc”.

Tới năm 2016, công ty này kết hợp với Bộ Môi trường và tổ chức Korea Zero Waste Movement Network (tạm dịch là “Mạng lưới sáng kiến không chất thải Hàn Quốc”) thiết lập một quy trình tái chế, trong đó hướng dẫn bã cà-phê được thu gom từ các cửa hàng Starbucks rồi chuyển đến một công ty khác để tái chế.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp sử dụng phân bón thân thiện môi trường cũng được dùng làm nguyên liệu cho một số dòng bánh nổi tiếng của Starbucks. Thí dụ, bánh gạo, bánh biscotti và bánh bông lan đều được làm bằng gạo thu hoạch từ phân ủ cà-phê.

Công ty Hyundai Steel cũng góp phần vào nỗ lực tái chế bã cà-phê thông qua nhiều hoạt động. Năm 2019, cùng với Trung tâm Năng suất Hàn Quốc và quỹ Korea Green, Hyundai Steel khởi động dự án Coffee Waste Resource Recovery (tạm dịch là “Phục hồi tài nguyên chất thải cà-phê”) nhằm tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh từ bã cà-phê. Một số sáng kiến được lựa chọn gồm có làm đất sét, đồ chơi cho trẻ em, thảm sàn đàn hồi dùng cho khu vui chơi, đường chạy… 

Cùng năm, Hyundai Steel cũng ký biên bản ghi nhớ với 10 đơn vị, trong đó có Bộ Môi trường và thành phố Incheon để thiết lập hệ thống thu gom chất thải cà-phê tại khu vực. Công ty này cho biết, họ dự kiến xử lý được 360 tấn chất thải cà-phê mỗi năm, giúp tiết kiệm tới 210 triệu won (khoảng 177.000 USD) chi phí xử lý và tạo thêm nhiều việc làm. 

Không chỉ vậy, bã cà-phê còn có thể được dùng làm năng lượng sinh học. Theo ông Kim Kyung-min, cán bộ nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hàn Quốc: “Nếu tái chế 150 nghìn tấn bã cà-phê trong năm 2019 thành năng lượng sinh học, chúng ta đã có thể cắt giảm khoảng 18 tỷ won (khoảng 16,6 triệu USD) chi phí năng lượng”. Ông Kim cũng vận động chính phủ sửa đổi chính sách nhằm công nhận bã cà-phê là một nguồn năng lượng sinh học thay vì chỉ là chất thải hữu cơ.