Xu hướng làm việc trên núi tại Ấn Độ

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm việc từ xa đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Ấn Độ, một sáng kiến mang tên “Làm việc trên núi” (WFM) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân nước này.

Một du khách làm việc tại địa điểm nghỉ dưỡng của WFM. Ảnh: WFM
Một du khách làm việc tại địa điểm nghỉ dưỡng của WFM. Ảnh: WFM

Sở hữu khung cảnh hùng vĩ với những ngọn núi phủ tuyết trắng, Himalaya là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài Ấn Độ vào mọi thời điểm trong năm. AP dẫn số liệu của chính phủ nước này cho thấy, năm 2019, hơn 16,8 triệu du khách đã tới thăm bang Himachal Pradesh thuộc dãy Himalaya và có ngành du lịch đóng góp tới 7% GDP của bang. Tuy nhiên, sau lệnh phong tỏa toàn quốc 70 ngày vào tháng 3-2020, lượng du khách đến bang Himachal Pradesh đã giảm đáng kể và các khách sạn cũng tạm ngừng hoạt động. Với hy vọng cải thiện tình trạng ảm đạm này, Prashant Mathawan - một người làm việc trong ngành du lịch tại Himalaya đã khởi xướng sáng kiến WFM.

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, Mathawan cho biết: “Tại các thành phố, mọi người đã không ra khỏi nhà trong nhiều tháng và điều này sẽ sớm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của họ. Ngay cả khi phong tỏa kết thúc, các công ty cũng sẽ cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Tôi chợt nghĩ, vậy tại sao không phải là trên núi, nơi mọi người vừa có thể tập trung làm việc mà vừa được thay đổi môi trường?” Sau khi đi vào hoạt động từ tháng 7-2020, dự án nhanh chóng nhận được sự quan tâm của hàng nghìn người và tiếp nhận hơn 20 đơn đặt phòng chỉ sau một tháng.

Theo trang web Travelthehimalayas.com, WFM hiện có hơn 10 căn nhà cho thuê trên núi ở Ấn Độ, chủ yếu tập trung tại bang Uttarakhand và Himachal Pradesh. Du khách có thể thuê theo ngày, tuần hoặc theo tháng, với chi phí dao động từ 16.800 đến 25.200 rupee/tuần (khoảng 230 tới 346 USD/tuần); hoặc từ 45.000 đến 67.500 rupee/tháng (tương đương 616 đến 927 USD/tháng) cho một phòng. Để đặt chỗ ở, khách hàng có thể gửi yêu cầu qua trang web hoặc nhắn tin qua trang Facebook của dự án. Bên cạnh dịch vụ chính, WFM cũng tổ chức các chuyến du lịch trải nghiệm và leo núi đường dài cho những cá nhân có nhu cầu.

Nhằm đem đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách, Mathawan đã nâng cấp và bổ sung các đồ dùng, nội thất trong phòng và nâng cao chất lượng của internet, vốn là vấn đề các du khách đặc biệt quan tâm. Tới nay, anh đã đón hơn 500 nhóm khách lên núi làm việc, gồm các cặp đôi, gia đình, nhóm bạn bè và đồng nghiệp. Ngoài sáng kiến của Mathawan, ngày càng nhiều các khách sạn khác cũng đang triển khai ý tưởng tương tự. Các trang Facebook như The Himalaya Travel Group (tạm dịch là “Cộng đồng Du lịch Himalaya”) liên tục nhận được tin nhắn từ những người muốn tìm phòng; các chủ khách sạn cũng tranh thủ giới thiệu dịch vụ của họ trên các trang web như vậy.

Theo Arnav Mathur, một chuyên gia công nghệ thông tin ở thị trấn Manali (bang Himachal Pradesh), làm việc trên núi hiện là một xu hướng mới và đang dần thay đổi cách làm du lịch ở Himalaya. Nếu như trước kia, khách nội địa ưa chuộng những tour du lịch ngắn ngày với lịch trình có sẵn, thì giờ đây, nhiều người lại chọn nghỉ tại một địa điểm trong thời gian dài. “Tại đây, mọi người làm việc qua ứng dụng Zoom và thư điện tử. Khi rảnh rỗi, họ dành thời gian khám phá thiên nhiên. Đây thật sự là một hình thức “du lịch chậm”, nghĩa là bạn ở lại một nơi lâu hơn và khám phá nơi đó sâu hơn”, Mathur cho biết thêm.

Là một nhà tư vấn quản lý dự án, Mohit Gosewade và gia đình đã sử dụng dịch vụ của WFM vào tháng 10 năm ngoái trong 40 ngày. Chi phí lưu trú kèm bữa sáng trong một tháng của họ là 55.000 rupee (khoảng 750 USD). Mỗi ngày sau giờ làm việc, Gosewade thường cùng gia đình tản bộ, dùng bữa tại nhà hàng hoặc leo núi. Anh chia sẻ: “Khi ở nhà, tôi chỉ làm việc mà không có bất kỳ thú vui nào khác. Nhưng khi lên đây, tôi cảm thấy thật tự do và sảng khoái mà vẫn có gia đình ở bên. Chúng tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trải nghiệm theo cách như vậy trong hàng chục ngày”.

Khi Mathawan lần đầu nêu ý tưởng về sáng kiến, nhiều người địa phương đã bày tỏ lo ngại về khả năng lây lan Covid-19. Song tới nay, họ đã dần thích nghi với trạng thái bình thường mới, đồng thời nhận ra cách làm này thật sự giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho địa phương.