Xu hướng du lịch mới tại Nhật Bản

Trước các làn sóng Covid-19 liên tiếp, ngành du lịch Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề do một loạt các biện pháp hạn chế được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố. Nổi lên từ năm 2020, các hình thức du lịch quy mô nhỏ, du lịch khám phá và du lịch kết hợp làm việc đang trở thành các xu hướng mới trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nước này.

Khu nghỉ dưỡng của Hoshino Resorts ở tỉnh Hokkaido. Ảnh: HOSHINO RESORTS
Khu nghỉ dưỡng của Hoshino Resorts ở tỉnh Hokkaido. Ảnh: HOSHINO RESORTS

Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết, số lượng khách du lịch quốc tế tới nước này năm 2020 giảm 87,1% so năm 2019 - mức giảm lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1964. Trong bối cảnh đó, ông Hiroshi Kurosu - nghiên cứu sinh của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn du lịch JTB nhận định, du lịch quy mô nhỏ (micro-tourism) có tiềm năng thay đổi tư duy của du khách và các điểm đến. 

Cụ thể, hình thức du lịch này cho phép một người thực hiện các chuyến đi ngắn tới những địa điểm cách nhà của họ chỉ vài giờ lái xe. Khi việc di chuyển xa trở nên khó khăn, ngày càng nhiều khách sạn và đô thị khuyến khích người dân tìm kiếm các điểm tham quan, nghỉ dưỡng trong vùng nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương và hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus. Hiện, doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng này là Hoshino Resorts, một trong các công ty nổi tiếng sở hữu nhiều khách sạn lớn ở Nhật Bản. Tại mỗi khu nghỉ dưỡng, Hoshino Resorts luôn cố gắng khiến du khách trải nghiệm tối đa vẻ đẹp của vùng đất đó qua các thiết kế mang đậm tính bản sắc. Thí dụ, tại khu nghỉ dưỡng HOSHINOYA Kyoto, mọi không gian, nghi lễ, hoạt động, ẩm thực… đều kế thừa phong cách truyền thống của cố đô Kyoto. 

Tới nay, một vài số liệu đã chỉ ra du lịch quy mô nhỏ tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương. Theo Cục Giao thông Tohoku, trong sáu tháng cuối năm 2020, số lượng cư dân ở khu vực bắc Tohoku tìm nơi nghỉ trong sáu tỉnh của vùng đã tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2019. Phó GS Akira Ide của Trường đại học Kanazawa (tỉnh Ishikawa) nhận định, sự thành công của mô hình này phụ thuộc khả năng thu hút du khách trở lại của các khách sạn và điểm tham quan, vốn cần sự phối hợp của cả chính quyền thành phố lẫn các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, du lịch trải nghiệm thông qua cắm trại cũng đang dần “hồi sinh” nhờ sự xuất hiện của các hình thức cắm trại mới. Trong đó, glamping là ý tưởng mà người trải nghiệm sẽ lưu trú trong những căn lều độc đáo, sang trọng với đầy đủ tiện nghi. Viện Nghiên cứu Yano của Nhật Bản cho biết: “Cắm trại là một trong số ít các hoạt động giải trí có thể bảo đảm nguy cơ lây nhiễm thấp. Vì vậy, nhu cầu cắm trại gia tăng ổn định ngay cả trong đại dịch”. Ngoài ra, doanh số bán thiết bị đánh bắt cá cũng tăng mạnh, đồng thời số người được cấp bằng lái tàu thủy đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm vào năm ngoái.

Theo ông Hiroki Nakashita thuộc bộ phận Kế hoạch và Xúc tiến du lịch của Hãng hàng không Japan Airlines (JAL), JAL hiện phối hợp với các khách sạn và đại lý du lịch để cung cấp các gói nghỉ dưỡng kết hợp làm việc (workation). Theo đó, lịch trình sẽ được thiết kế để tránh các khu vực đông người và ưu tiên đưa du khách tới những thành phố, vùng đất ít người biết đến. HafH, một công ty khởi nghiệp (startup) cho thuê không gian sống và làm việc chung, cũng ghi nhận số khách hàng mới trong tháng 12/2020 tăng gấp 8 lần so cùng kỳ năm trước. Ông Ryo Osera - người đồng sáng lập của HafH chia sẻ: “Với tình hình hiện tại, khách hàng của chúng tôi có xu hướng trải nghiệm cuộc sống địa phương nhiều hơn là tìm kiếm địa điểm du lịch nổi tiếng, như tham gia dọn dẹp bãi biển hoặc hỗ trợ các trang trại chăn nuôi ở Hokkaido. Tôi tin rằng xu hướng du lịch này sẽ ngày càng phổ biến”.

Theo ông Kurosu, thị trường và các thói quen tiêu dùng thường bị gián đoạn trong thời kỳ khủng hoảng, song phần lớn những thay đổi này là tạm thời. Ông Kurosu nhận định rằng, mặc dù còn quá sớm để dự đoán tương lai của các hình thức du lịch mới, song chìa khóa cho sự phát triển của Nhật Bản trên thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh vẫn là nâng cao sự hiếu khách và chất lượng dịch vụ.