Thư viện đặc biệt cho trẻ em nghèo Pakistan

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khó lường, Chính phủ Pakistan đã buộc phải đóng cửa tất cả trường học trên toàn quốc từ tháng 3-2020. Không có điều kiện tham gia học trực tuyến, nhiều trẻ em nghèo nước này có nguy cơ tụt hậu về kiến thức. Tuy nhiên, ở tỉnh Balochistan xa xôi của Pakistan, hy vọng nối lại con chữ lại được thắp lên nhờ ý tưởng độc đáo mang tên “thư viện lạc đà”.

Lạc đà mang sách tới trẻ em nghèo ở Balochistan. Ảnh: THE WALL
Lạc đà mang sách tới trẻ em nghèo ở Balochistan. Ảnh: THE WALL

Không chỉ là tỉnh nghèo nhất nước, Balochistan còn có ít trường học và tỷ lệ người biết chữ thấp nhất Pakistan. Theo số liệu của Cục Thống kê Pakistan, có tới 62% số trẻ em từ 5 đến 16 tuổi không được đến trường ở các vùng nông thôn của Balochistan. Bởi vậy, việc đóng cửa trường học vì đại dịch Covid-19 khiến con đường đèn sách của trẻ em nghèo tỉnh Balochistan càng khó khăn hơn. Trước những thiếu thốn của trẻ em tại quê nhà, bà Zubaida Jalal, Bộ trưởng Sản xuất quốc phòng Pakistan cùng chị gái mình là bà Raheema Jalal, Hiệu trưởng Trường trung học nữ sinh Zubaida Jalal (ZJGHS) đã đưa ra ý tưởng về việc thành lập mạng lưới thư viện di động trên lưng lạc đà.

Cùng Hiệp hội xe bus sách Alif Laila (ALBBS) và Tổ chức Giáo dục nữ giới Balochistan (FETB), hai chị em Jalal đã vận động anh Murad Dur Muhammad (45 tuổi), một người nuôi lạc đà, cùng tham gia. Murad là chủ nhân của chú lạc đà 12 tuổi, đã tình nguyện vượt qua những hoang mạc cằn cỗi, giúp thiết lập tuyến đường mang sách cho hàng trăm trẻ em, thắp lên hy vọng tiếp tục học tập tới những nơi xa xôi nhất của tỉnh Balochistan, như quận Kech. Anh cũng thường đi cùng Haneefa Abdul Samad (30 tuổi), một giáo viên Toán và Khoa học, hỗ trợ trả lời các câu hỏi của trẻ em. “Ban đầu, tôi lưỡng lự không biết ý tưởng sẽ hoạt động như thế nào ở những ngôi làng hẻo lánh. Nhưng sau khi chứng kiến sự ham học và tình yêu của các em đối với sách, tôi quyết định đi cùng Murad đến từng ngôi làng của Kech”, anh Samad cho biết.

Trả lời phỏng vấn báo Arab News (Saudi Arabia), bà Raheema chia sẻ: “Chúng tôi đặt tên cho con lạc đà chở sách là “Roshan” (tiếng Pakistan là “Ánh sáng rực rỡ”) vì nó đã thắp sáng hy vọng đèn sách cho những đứa trẻ nghèo ở Balochistan. Trong gần 40 năm qua, tổ chức phi lợi nhuận ALBBS đã thiết lập hơn 7.000 thư viện di động trên khắp Pakistan, cung cấp hơn 1,5 triệu cuốn sách cho trẻ em nghèo. Cộng thêm nỗ lực của anh Murad, thầy Samad và Roshan, hằng tuần hàng chục cuốn sách đã đến được sáu ngôi làng hẻo lánh của Balochistan”.

Thư viện trên lưng lạc đà bao gồm sách, truyện và sách về kiến ​​thức chung, khoa học và nghiên cứu Hồi giáo. Những người sáng lập thư viện ban đầu ưu tiên cung cấp sách cho trẻ em từ lớp 1 đến lớp 6 trước, nhưng hiện tại học sinh cấp cao hơn cũng có thể mượn sách. Lạc đà chở sách đến vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật tới ba ngôi làng khác nhau mỗi tuần. Trẻ em có thể chọn những cuốn sách yêu thích và trả lại sách sau một tuần.

Chị Sharatoon (27 tuổi) ở thị trấn Mand, thuộc quận Kech thường xuyên đọc sách vào thứ sáu hằng tuần cho đứa con của mình và những đứa trẻ khác trong thị trấn. “Lần đầu khi lạc đà đến khu vực của chúng tôi, bọn trẻ rất vui và hào hứng. Các trường học đã đóng cửa từ lâu trong khu vực này do dịch Covid-19 và chúng tôi không có bất kỳ thư viện nào, vì vậy ý tưởng này được tất cả trẻ em hoan nghênh”, Sharatoon tâm sự. Jawad Ali (10 tuổi) cũng bày tỏ: “Em học được nhiều điều mới từ những cuốn sách này. Em thích sách viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của em là tiếng Baloch, nhưng cũng muốn đọc thêm nhiều sách viết bằng tiếng Anh và tiếng Urdu nữa”.

Hiện tại, gần như toàn bộ ngân sách đang được dùng cho chi phí vận chuyển của lạc đà. Hai người đồng sáng lập dự án đang tìm kiếm nguồn tài trợ với hy vọng thư viện lạc đà sẽ đến được nhiều ngôi làng hơn, cho mượn hoặc tặng sách cho nhiều trẻ em hơn... “Nếu chúng ta tặng miễn phí những cuốn sách này cho các em thì không những giúp ích cho quá trình học tập, mà còn giúp trẻ em tránh xa những cạm bẫy bên ngoài xã hội. Các em sẽ tập trung đọc sách, thu lượm kiến thức, thông tin và những kiến thức đó sẽ trở thành hành trang mang theo sau này”, bà Raheema nói.