Tạo việc từ ngành làm đẹp

Đầu tháng 4 vừa qua, một trường học đào tạo về điều chế mỹ phẩm cũng như các phương pháp làm đẹp đã mở cửa tại Thủ đô Dakar (Senegal). Trường học này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên trên khắp quốc gia Tây Phi này.

Bà Ouattara (phải) hướng dẫn một sinh viên điều chế mỹ phẩm. Ảnh: LE MONDE
Bà Ouattara (phải) hướng dẫn một sinh viên điều chế mỹ phẩm. Ảnh: LE MONDE

Trong một phòng thí nghiệm tại Trường Thẩm mỹ quốc tế Farifima, các sinh viên trong những chiếc áo blouse vàng và kính bảo hộ đang định lượng dầu jojoba, xoài, bơ và lô hội, rồi đun nóng chúng đến 70°C trước khi trộn dung dịch với nước. Trong cốc, hỗn hợp đặc lại và có mầu trắng. Đây là buổi học về làm kem dưỡng da mặt đầu tiên dưới sự hướng dẫn của giáo viên Mariane Ouattara, người sáng lập Trường Farifima vào đầu tháng 4 vừa qua tại Dakar.

Với bằng TS Hóa học tại Canada, năm 2018, bà Ouattara đã mở phòng thí nghiệm và cho ra mắt dòng sản phẩm làm đẹp mang thương hiệu của bà ở Senegal. “Làm đẹp là ngành rất được quan tâm ở Senegal. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại đây đang thiếu kỹ thuật tiên tiến và kỹ năng trong lĩnh vực này, dù họ có những ý tưởng tốt song không thể biến những sáng kiến đó thành hiện thực”, bà Ouattara cho biết. Với việc mở cửa trường Farifima cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Senegal, bà hy vọng sẽ đào tạo các doanh nhân và nhân viên tương lai trong lĩnh vực làm đẹp, sản xuất mỹ phẩm…

Bà Mariane Ouattara cũng khẳng định ngoài lý thuyết, bà cũng chú trọng dạy thực hành để những người trẻ tuổi có thể quen tay nghề trong tương lai. Bà Ouattara cũng khuyến khích các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể “ở lại châu Phi để chứng minh cho thế giới thấy người Senegal cũng có thể làm được những sản phẩm chất lượng nhờ quá trình rèn luyện nghiêm khắc”.

Trước khi gia nhập Trường Farifima, Ndeye Aida Tine (32 tuổi) từng thử nghiệm điều chế các loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Cô cho biết: “Ở các chợ và cửa hàng tại Dakar, các sản phẩm thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gây hại cho da. Vì vậy, tôi đã thử nghiệm tại nhà, cho chính mình, với những sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên của địa phương”. Sau quá trình học tại Farifima, Aida đang đặt mục tiêu tạo ra thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình cho phụ nữ da mầu. Trong khi đó, Mylène Ndoye - một học viên khác của Farifima nhấn mạnh, Senegal nói riêng và châu Phi nói chung có tất cả các nguyên liệu thô cần thiết để điều chế mỹ phẩm. Ndoye đã có kinh nghiệm làm tóc và trang điểm trong 25 năm, nhận thấy phụ nữ và nam giới ngày càng chuyển sang sử dụng các nguyên liệu tự nhiên nhiều hơn. 

Aida và Ndoye là hai sinh viên thuộc nhóm đầu tiên gồm 30 người bắt tham gia khóa đào tạo kéo dài 6 tháng do Trường Farifima cung cấp vào tháng 4 vừa qua. Sau khóa học, họ sẽ nhận chứng chỉ chuyên môn về thẩm mỹ. Mỗi sinh viên đóng một khoản phí 45.000 CFA franc (tương đương 70 euro), phần còn lại do Quỹ Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (3FPT) của Senegal - một tổ chức được chính phủ thành lập vào năm 2014 nhằm thúc đẩy khả năng làm việc của thanh niên, tài trợ. Tổng cộng 120 học viên đầu tiên sẽ được hỗ trợ, với ngân sách 50 triệu CFA franc (hơn 76.000 euro).

Theo báo cáo mới nhất từ ​​Setalmaa, một kênh truyền thông chuyên về làm đẹp tại châu Phi, năm 2020, người dân Senegal chi ra tới 874 triệu euro cho các sản phẩm chăm sóc tóc, da và trang điểm và có thể tăng lên 1,5 tỷ euro vào năm 2025. Do đó, đánh giá về ngành làm đẹp, ông Sidy Ba - quản lý của 3FPT nhấn mạnh: “Mỹ phẩm là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, có tiềm năng tạo việc làm mạnh mẽ dựa trên số lượng sản phẩm nhập khẩu thời gian qua”. Không chỉ vậy, ở một đất nước có 76% dân số dưới 35 tuổi, cuộc chiến chống thất nghiệp ở thanh niên là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Senegal. Trong khi đó, ngành điều chế mỹ phẩm sẽ tạo ra nhiều việc làm mới nếu được chú trọng phát triển trong tương lai.