Phần Lan giải bài toán thiếu lao động trẻ

Liên tục được xếp hạng “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, nhiều người mong muốn chuyển đến sinh sống tại Phần Lan. Song trên thực tế, nước này đang thiếu trầm trọng công dân trong độ tuổi lao động. Để bổ sung nguồn nhân lực, Chính phủ Phần Lan đã áp dụng một số biện pháp mang lại kết quả tích cực.

Các công ty Phần Lan đang nỗ lực thu hút nhân lực nước ngoài. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Các công ty Phần Lan đang nỗ lực thu hút nhân lực nước ngoài. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo The Jakarta Post, nhiều quốc gia tại châu Âu đang đối mặt tình trạng già hóa dân số, đặc biệt là Phần Lan. Các số liệu của LHQ cho thấy, cứ 100 người lao động tại Phần Lan thì có tới hơn 39 người hơn 65 tuổi. Với tỷ lệ này, Phần Lan chỉ đứng sau Nhật Bản về mức độ già hóa dân số. Dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ người lao động trên 65 tuổi sẽ chiếm đến 47,5% dân số nước này. Saku Tihverainen, nhà tuyển dụng của Công ty Talented Solutions nhận định: “Quốc gia của chúng tôi đang chật vật đối mặt tình trạng già hóa dân số và mức độ tăng trưởng dân số cực thấp”.

Từ những năm trước, Chính phủ Phần Lan đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm cải thiện tình hình, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thu hút các lao động nhập cư. Chính phủ quốc gia Bắc Âu này kỳ vọng có thể thu hút từ 20.000-30.000 người một năm để duy trì dịch vụ công và giảm thâm hụt lương hưu. Dù vậy, trong những năm qua, chính sách thu hút người nhập cư đã hoạt động không mấy hiệu quả.

Theo đó, nhiều lao động nhập cư vào Phần Lan cho rằng, ban đầu quốc gia này có vẻ là một điểm đến hấp dẫn với chất lượng cuộc sống cao, tự do, bình đẳng giới, ít tham nhũng, tội phạm và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phần lớn người dân Phần Lan đều cùng một sắc tộc và ngôn ngữ, nên tại đây vẫn tồn tại tâm lý bài xích người nhập cư và miễn cưỡng tuyển dụng người nước ngoài.

Ahmed, một lao động 42 tuổi tới từ Anh, có nhiều năm kinh nghiệm trong xây dựng sản phẩm kỹ thuật số cho các công ty gia dụng đa quốc gia, đã nhận được vô số lời mời làm việc từ những công ty lớn ở Na Uy, Qatar, Anh và Đức. Sau khi đến Thủ đô Helsinki của Phần Lan sinh sống cùng gia đình, anh vẫn không tìm được việc làm trong suốt sáu tháng. Ahmed cho biết: “Dù thiếu nhân lực, nhưng tâm lý bài ngoại tại Phần Lan rất lớn. Một nhà tuyển dụng thậm chí còn từ chối bắt tay tôi, khiến tôi bất ngờ”. 

Theo ông Charles Mathies, nhà nghiên cứu tại Học viện Phần Lan, sau nhiều năm chính sách thu hút lao động nhập cư hoạt động không hiệu quả, thời gian gần đây, các doanh nghiệp và chính phủ đã nhận ra mấu chốt của vấn đề là do tình trạng già hóa dân số và thái độ xa lánh người lao động nhập cư. Ông Mathies cho biết, Chính phủ Phần Lan đã đưa ra những tiêu chí cụ thể trong chính sách tuyển dụng, nhóm đối tượng mà chương trình muốn thu hút, thí dụ như nhân viên y tế Tây Ban Nha, thợ cơ khí Slovakia, chuyên gia về công nghệ thông tin và hàng hải đến từ Nga, Ấn Độ và Đông - Nam Á…

Trong khi đó, một số công ty khởi nghiệp ở Phần Lan đang tạo ra trang web tuyển dụng nhằm thu hút nhiều nhân tài ở nước ngoài hơn. Ông Jan Vapaavouri, Thị trưởng Helsinki nhấn mạnh: “Trước tác động mạnh từ việc thiếu hụt lao động thời gian gần đây, các công ty khởi nghiệp Phần Lan tuyên bố có thể nhận bất kỳ người nào trên thế giới tới làm việc ở Helsinki, miễn là người đó độc thân”.

Theo Thị trưởng Vapaavouri, việc Phần Lan bốn năm liền đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” của LHQ “chưa giúp được chúng tôi nhiều như kỳ vọng. Nếu bạn hỏi một người bất kỳ trên đường phố Paris (Pháp), London (Anh), Rome (Italia) hay New York (Mỹ), tôi nghĩ rằng phần lớn không biết tới Phần Lan”. Nhằm giúp thu hút thêm lao động nước ngoài, mới đây, Thị trưởng Helsinki cũng đang kêu gọi doanh nghiệp truyền thông quốc tế để giúp nâng cao vị thế “an toàn, một đô thị đa chức năng, đáng tin vốn là những giá trị ngày càng quan trọng” của thành phố. Ông lạc quan rằng Phần Lan sẽ thu hút được nhân tài từ châu Á trong tương lai.